Huyện Mỹ Đức sẽ vận hành tối đa các máy bơm tiêu dã chiến chống ngập úng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn bắt đầu xảy ra mưa từ ngày 1/8, song lượng mưa thấp chỉ đạt 30mm.

Đê hữu Đáy (đoạn qua địa bàn xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức) đã được gia cố an toàn từ tháng 5/2019
Tính đến 12 giờ ngày 3/8, lượng mưa đo được khoảng 64mm, lượng mưa nhỏ lại ngắt quãng nên không gây úng ngập. Mặc dù mưa kéo dài đến dài đến ngày thứ 3 nhưng không có gió lớn nên toàn bộ diện tích rau màu và cây trồng trên địa bàn huyện đều chưa bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi cũng đề ra kịch bản nếu ảnh hưởng do áp thấp sau bão với lượng mưa lớn khoảng 300mm liên tiếp trong 3 ngày thì trên địa bàn huyện không xảy ra úng ngập. Bởi, hiện nay, tại các hồ, sông, kênh mương nội đồng đều đã cạn hết nước đệm; đồng thời, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị vận hành tối đa các máy bơm tiêu dã chiến trên địa bàn” - ông Lê Hải Hồng nói.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều thông tin thêm, với phương châm chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, xử lý kịp thời, có hiệu quả với mọi diễn biến bất lợi do mưa lớn, bão, lũ rừng ngang, sạt lở trên địa bàn huyện, chúng tôi đã yêu cầu BCH PCLB&TKCN các xã, thị trấn, các đơn vị liên quan nghiêm túc trực 24/24 giờ, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, úng ngập về cơ quan thường trực BCH PCLB&TKCN huyện theo khung giờ quy định.
Trước đó, ngày 31/7, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Mỹ Đức đã ban hành Công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với bão số 3 năm 2019. Theo đó, Ban Chỉ huy huyện yêu cầu các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và tình hình mưa trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.
Đồng thời, kiểm tra các điểm trọng điểm xung yếu, các tuyến đê, hồ đập, các công trình, chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của bão, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân ở những vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra đê điều, kè, cống, kênh mương, công trình thoát nước trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra.
Ban Chỉ huy yêu cầu Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Mỹ Đức tăng cường kiểm tra, sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi, chủ động vận hành tiêu nước nước đệm trên các tuyến kênh, sẵn sàng bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra; khơi thông dòng chảy toàn bộ hệ thống kênh, không để vật cản ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Mùa.