Huyện Thạch Thất: Thu nhập người dân tăng gấp 8 lần sau mở rộng địa giới

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thu nhập bình quân của người dân huyện Thạch Thất đã tăng từ 11,6 triệu đồng lên 91 triệu đồng/người/năm, đánh dấu sự phát triển vượt bậc, toàn diện về kinh tế - xã hội.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Chuyển dịch đúng hướng

Tối 17/6, UBND huyện Thạch Thất khai mạc Triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2023. Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 15 năm mở rộng địa hành chính TP Hà Nội (2008 - 2023).

Tới dự buổi lễ có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cùng lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, Triển lãm được tổ chức vào những ngày rất đặc biệt, chào mừng kỷ niệm 75 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023); kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023).

“Và đặc biệt là kỷ niệm 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, huyện Thạch Thất được sáp nhập về TP Hà Nội (ngày 1/8/2008), kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện” - ông Nguyễn Mạnh Hồng nói.

Trước khi hợp nhất, huyện Thạch Thất có diện tích đất tự nhiên là 13.183,67ha với 20 đơn vị hành chính; dân số 164.886 người. Toàn Đảng bộ huyện có 74 tổ chức cơ sở Đảng với tổng số 5.043 đảng viên sinh hoạt ở 292 chi bộ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 11,6 triệu đồng/người/năm.

Sau hợp nhất, huyện Thạch Thất có thêm 3 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình chuyển từ huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình về. “Được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND, các sở, ngành của TP; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện uỷ - HĐND - UBND huyện, Thạch Thất đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế và đạt được những kết quả tích cực” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hồng nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày sinh vật cảnh tại triển lãm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày sinh vật cảnh tại triển lãm.

Cơ cấu kinh tế của Thạch Thất đã chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đến nay, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 18.459ha với 23 đơn vị hành chính gồm 22 xã, 1 thị trấn (12 xã, thị trấn vùng nông giang; 8 xã vùng đồi gò và 3 xã miền núi) với 122 thôn, tổ dân phố. Dân số 225.955 người (dân tộc Mường chiếm 5,2% dân số toàn huyện). Toàn Đảng bộ huyện hiện có 74 tổ chức cơ sở Đảng với tổng số 9.165 đảng viên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 91 triệu đồng/người/năm.

Tạo chuỗi liên kết bốn nhà

Ông Nguyễn Mạnh Hồng chia sẻ, Thạch Thất có 59 làng thì 50 làng có nghề, trong đó 10 làng nghề đã được tỉnh Hà Tây (cũ) và TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.

Nhiều làng được biết đến với những sản phẩm đặc sắc như: Mây tre giang đan Bình Phú; Bánh chè lam Thạch Xá; chè kho Đại Đồng; mộc Chàng Sơn, Canh Nậu; Dị Nậu; làm nhà gỗ cổ truyền xã Hương Ngải…

Tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc triển lãm.
Tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc triển lãm.

Năm 2020, Thạch Thất vinh dự được đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020”.

Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện ước thực hiện năm 2023 đạt 35.913.480 triệu đồng, tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 phấn đấu đạt 100 triệu đồng/người/năm; mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 120 triệu đồng/người/năm.

Công tác quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tăng cường quản lý đất đai, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng thông tin thêm, Triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2023 có hơn 200 gian hàng, hàng nghìn sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp, đồ gia dụng, hơn 2.000 sinh vật cảnh đặc sắc đến từ các tỉnh, TP trong cả nước.

Ngoài ra còn có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, cũng như của TP, sản phẩm OCOP có chất lượng, giá trị kinh tế, giá trị sử dụng cao, thân thiện với môi trường để trưng bày, giới thiệu đến Nhân dân và khách tham quan.

Đây là cơ hội gặp gỡ giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất của các nghệ nhân, DN, hộ sản xuất kinh doanh... của huyện và các tỉnh, TP trong cả nước, nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực đến người tiêu dùng, tạo động lực tích cực để xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

“Tôi tin tưởng rằng Triển lãm sẽ tạo chuỗi liên kết giữa 4 nhà: Nhà sản xuất - nhà quản lý - nhà khoa học - nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng phục vụ những nhu cầu thiết thực của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương” - ông Nguyễn Mạnh Hồng nói.