Huyện Ứng Hòa: Gian nan xử lý rác thải độc hại

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 157 hộ dân làm nghề thu gom, tái chế phế liệu, mỗi ngày thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) xả ra môi trường khoảng 2 tấn rác thải độc hại.

Nhưng nhiều năm nay, lượng rác độc hại này vẫn đổ ra bãi rác sinh hoạt hoặc đem đốt.
 
Do khói độc từ đốt rác của thôn Xà Cầu làm ảnh hưởng đến cuộc sống nên việc người dân thôn Quảng Nguyên ngăn đường - chặn rác, khiến QL21B ách tắc nhiều giờ những ngày đầu tháng 1 vừa qua là hành động được ví như giọt nước tràn ly…
Rước… của nợ về làng
Theo tìm hiểu của phóng viên, nghề thu gom tái chế phế liệu hình thành ở thôn Xà Cầu cách đây khoảng 4 năm. Hàng ngày, các loại phế liệu như chai nhựa, săm lốp ô tô, xe máy, ti vi, bình ắc quy cũ hỏng… được người dân trong thôn "tha" từ… mọi miền đem về chất thành đống trong làng. Hàng ngày, trên QL21B có hàng trăm lượt xe kéo "siêu trường, siêu cồng kềnh", kéo theo trăm thứ bà rằn mà thiên hạ bỏ đi lũ lượt kéo về thôn Xà Cầu. Theo UBND xã Quảng Phú Cầu, thôn Xà Cầu có 157 hộ chuyên thu gom, tái chế phế liệu. Sau tái chế, mỗi ngày có khoảng 2 tấn rác thải độc hại xả ra môi trường. Số rác này được đổ lẫn vào bãi rác sinh hoạt nằm tại khu vực Mả Cả, hoặc đổ ra các khu đất trống trong thôn. Ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, trước đây, chính quyền đã hợp đồng với Công ty CP Đầu tư phát triển rau sạch Sông Hồng để thu gom rác sinh hoạt. Nhưng do một số người thiếu ý thức, đổ lẫn rác thải độc hại vào rác sinh hoạt nên đơn vị thu gom rác đã chấm dứt hợp đồng vận chuyển. Lượng rác thải độc hại cứ mỗi ngày lại được bổ sung thêm hàng tấn…

Tại Xà Cầu, phế liệu được đổ tràn lan tại các xưởng tái chế.  Ảnh: Trần Thụ

Năm 2015, UBND huyện Ứng Hòa đã cho lắp đặt lò đốt rác thải làng nghề với công suất 5 tấn/ngày, đêm đặt tại bãi chôn lấp rác thải Vân Đình. Sau thử nghiệm, do lò đốt chưa đảm bảo chất lượng môi trường nên UBND huyện đã đề nghị UBND TP không cấp phép để đầu tư xây dựng. UBND huyện cũng đã giao cho Phòng TN&MT đi học tập kinh nghiệm và tìm các đơn vị có đủ năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải công nghiệp để tham mưu UBND huyện hướng xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đối tác. Vì vậy, lượng rác từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu của các hộ dân thôn Xà Cầu đến nay vẫn chưa có hướng xử lý triệt để, dẫn đến tình trạng rác thải làng nghề bị ùn ứ, tồn đọng tại các điểm tập kết. Tháng 9/2016 đã xảy ra tình trạng đốt rác tại điểm tập kết thôn Xà Cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống, đặc biệt là người dân tại thôn Quảng Nguyên. "Núi" rác mỗi ngày một lớn mà diện tích bãi chứa của thôn Xà Cầu chỉ rộng 200m2 nên rác thải tràn ra gây mất mỹ quan - một số người đã dùng lửa để… xử lý; khí độc phát tán ra ngoài gây ô nhiễm môi trường trầm trọng… Do khói độc từ đốt rác của thôn Xà Cầu ảnh hưởng đến cuộc sống, nên việc người dân thôn Quảng Nguyên ngăn đường - chặn rác khiến QL21B ách tắc nhiều giờ…
Loay hoay tìm giải pháp
Theo Phòng TN&MT huyện Ứng Hòa, nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh một lượng lớn rác thải độc hại tại thôn Xà Cầu là do các hộ sản xuất, kinh doanh tự phát không theo quy hoạch. Cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư, gây khó khăn trong công tác quản lý môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao nên  dẫn đến hiện tượng tập kết và đốt rác không đúng quy định gây ảnh hưởng đến môi trường. Mặt khác, do UBND huyện chưa bố trí kinh phí để hỗ trợ cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phát sinh từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu tại xã Quảng Phú Cầu dẫn đến việc lượng rác thải tồn đọng ngày càng nhiều.
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: Sau sự việc hôm 8/1, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền xã Quảng Phú Cầu và các ngành chức năng tạm thời đóng cửa bãi rác khu vực Mả Cả. UBND huyện sẽ cho tập kết rác sinh hoạt và rác từ tái chế phế liệu ra 2 khu riêng biệt. Về lâu dài, UBND huyện đề nghị Sở TN&MT xem xét, báo cáo UBND TP sớm phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải Đông Lỗ. Huyện cũng đang đề xuất UBND TP cho phép xây dựng 2 khu công nghiệp làng nghề tại thôn Xà Cầu và thôn Cầu Bầu, với diện tích mỗi khu khoảng trên 4ha. Bởi chỉ có xây dựng được các dự án nói trên thì vấn đề môi trường ở Quảng Phú Cầu mới được giải quyết một cách cơ bản.
"Trước mắt, huyện đề nghị các hộ tái chế phế liệu phải làm cam kết về bảo vệ môi trường, nếu không thực hiện cứ "bám" vào đó mà xử lý. Kiến nghị UBND TP hỗ trợ một phần kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phát sinh từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu cho người dân xã Quảng Phú Cầu. Giới thiệu đơn vị có năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo quy định với chi phí hợp lý" - bà Anh đề xuất.