IEA cảnh báo bất ngờ về thị trường khí đốt EU nếu Nga cắt nguồn cung

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các kho dự trữ năng lượng của châu Âu có thể cạn kiệt vào mùa Đông năm nay nếu Moscow cắt hoàn toàn dòng chảy khí đốt sang khu vực này.

Giới chuyên gia cho rằng các nước châu Âu đã tránh được cuộc khủng hoảng khí đốt vào năm ngoái nhờ có một mùa đông ấm áp, song hiện chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng thị trường năng lượng sẽ ổn định vào mùa Đông năm nay.

EU đối mặt khủng hoảng khí đốt mới

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 17/7 cảnh báo các nước Liên minh châu Âu (EU) vẫn có thể phải đối mặt với một mùa Đông rất khó khăn nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt còn lại cho châu Âu.

IEA cảnh báo EU có thể đối mặt một cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa Đông năm nay nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung sang châu Âu. Ảnh: AP
IEA cảnh báo EU có thể đối mặt một cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa Đông năm nay nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung sang châu Âu. Ảnh: AP

Báo cáo mới nhất của IEA cho biết, ngay cả khi các kho chứa khí đốt của EU được lấp đầy gần 100% công suất từ giữa tháng 9 thì cũng “không có gì đảm bảo” rằng châu Âu sẽ tránh được những căng thẳng thị trường trong tương lai.

Cảnh báo của IEA nhấn mạnh sự gián đoạn tiềm ẩn từ một cuộc xung đột năng lượng mới với Nga, dù giá khí đốt đã giảm mạnh kể từ tháng 12/2022.

“Các mô phỏng của chúng tôi cho thấy một mùa Đông lạnh giá, cùng với việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt hiện tại cho EU nhiều khả năng sẽ gây ra đợt biến động mới về giá trên thị trường năng lượng” - IEA nêu rõ trong báo cáo thị trường khí đốt hàng năm được công bố ngày 17/7.

Cơ quan năng lượng có trụ sở tại Paris lưu ý thêm: "Nguồn cung trên thị trường khí đốt toàn cầu có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nếu khu vực Đông Bắc Á trải qua thời tiết lạnh hơn bình thường và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mạnh hơn dự báo”.

Các nước EU đã giảm lượng lớn khí đốt nhập khẩu từ Moscow kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022. Nga hiện vẫn cung cấp khoảng 10% lượng khí đốt nhập khẩu của EU, phần lớn được cung cấp dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Theo Cơ sở hạ tầng khí châu Âu (GIE), các kho dự trữ khí đốt ở EU hiện đạt trên 80% công suất, cao hơn gần 20% so với mức trung bình trong 5 năm trước đó.

Các nhà phân tích đã kỳ vọng các địa điểm lưu trữ (có thể chứa khoảng 100 tỷ mét khối khí đốt) sẽ đạt 90% trước tháng 11 theo mục tiêu chính thức của EU.

Tuy nhiên, trong một kịch bản có sự kết hợp của mùa Đông lạnh giá, đường ống dẫn khí đốt của Nga ngừng hoạt động hoàn toàn và lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẵn có thấp, IEA cho biết kho chứa khí đốt của EU có thể dự trữ chỉ 20% vào tháng 4/2024, một mức sẽ đe dọa gián đoạn nguồn cung.

Kỳ vọng vào mùa Đông ấm hơn

Các kho dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu đang ở mức cao và có thể được lấp đầy sớm hơn kế hoạch. Điều này gia tăng kỳ vọng rằng cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái sẽ không lặp lại.

Mùa Đông ấm hơn có thể làm giảm một nửa giá khí đốt ở châu Âu. Ảnh: Brecorder
Mùa Đông ấm hơn có thể làm giảm một nửa giá khí đốt ở châu Âu. Ảnh: Brecorder

Các kho dự trữ cũng tăng lên, tạo thêm niềm tin cho các chính phủ trước mùa đông. Tính đến ngày 12/7, các kho chứa khí đốt trên khắp EU đã đầy 80,3%.

Theo Morgan Stanley, EU đã đặt mục tiêu đạt được 90% kho chứa khí đốt đầy đủ vào ngày 1/11. Họ không chỉ đạt được mục tiêu đó trước thời hạn mà còn có thể lấp đầy các bể chứa tới 100% vào đầu tháng 9.

Giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn hiện chỉ bằng 1/10 so với mức kỷ lục vào mùa hè năm ngoái khi Nga cắt giảm nguồn cung đường ống dẫn tới châu Âu.

Tuy nhiên, biến động vẫn có thể xảy ra do giá và nhu cầu khí đốt trước và trong mùa Đông sắp tới sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của EU: thời tiết và sản lượng của các nguồn năng lượng tái tạo vốn phụ thuộc thời tiết.

Trong năm 2022, nhờ thời tiết mùa Đông ôn hòa hơn nên mức tiêu thụ khí đốt của EU giảm. Nhu cầu tiêu thụ trong công nghiệp cũng giảm vì chi phí đắt đỏ. Châu Âu đã vượt qua mùa đông 2022/2023 mà không xảy ra tình trạng thiếu khí đốt hoặc phải áp định mức khí đốt.

Trong mùa Đông 2023/2024, châu Âu chỉ có thể đặt hy vọng vào thời tiết ôn hòa hơn mà không có nhiều đợt lạnh kéo dài dẫn đến tăng vọt nhu cầu năng lượng để sưởi ấm và phát điện.

Theo Oilprce, trong trường hợp mùa Đông năm nay ấm hơn, giá khí đốt tại châu Âu có thể tiếp tục hạ nhiệt, thậm chí giảm một nửa xuống còn 16,85 USD cho mỗi megawatt giờ (MWh).

Các nhà phân tích tại ngân hàng Morgan Stanley dự báo, nếu thời tiết ấm áp liên tục và nguồn cung năng lượng tái tạo tăng trưởng mạnh, giá khí đốt chuẩn có thể giảm mạnh về mức của cuối năm 2020.

Ở một kịch bản khác, giá khí đốt có thể tăng vọt lên 112 USD/MWh nếu mùa Đông năm 2023/2024 lạnh hơn bình thường và các nguồn năng lượng tái tạo không đáp ứng mục tiêu.

Tuần này, giá khí đốt tại châu Âu giảm so với mức của tháng 6 do nhu cầu nhìn chung vẫn tiếp tục yếu trong bối cảnh ngành công nghiệp của châu lục này giảm tốc.

Giá khí đốt của châu Âu đã giảm xuống 24,63 euro/MWh trong phiên giao dịch ngày 17/7, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6 và thấp hơn khoảng 90% so với mức giá kỷ lục 340 euro/MWh vào cuối tháng 8/2022.