Iran “cân nhắc” tham gia đàm phán không chính thức với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân

Nguyễn Phương (Theo Vox)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tín hiệu tích cực này được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để các nhà đàm phán của Mỹ và Iran khởi động quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran.

Giới chức Iran vừa phát tín hiệu rằng hiệu rằng họ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán không chính thức với phía Mỹ, do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, để tiếp tục duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
 Ngoại trưởng Iran Javad Zarif 
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông sẽ sẵn sàng quay lại JCPOA và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran, song với điều kiện Tehran phải tuân thủ trở lại các cam kết trước. Trong khi đó, Iran khẳng định rằng Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế trước khi nước Cộng hòa Hồi giáo này đảo ngược các vi phạm trong JCPOA.
Nhằm tháo gỡ tình trạng bế tắc này, hồi tuần trước EU đã đề nghị tổ chức một cuộc họp với Mỹ, Iran và tất cả các nước tham gia JCPOA, gồm Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức và Anh.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, Washington đồng ý tham dự vì Tổng thống Joe Biden mong muốn “thảo luận mang tính xây dựng đối với chương trình hạt nhân của Iran”.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aragchi cho biết nước này đang "nghiên cứu" đề xuất của EU.
Chính quyền Iran hôm 23/2 bày tỏ thiện chí hơn khi Ngoại trưởng Javad Zarif thông báo: "Chúng tôi đang xem xét một cuộc họp không chính thức thảo luận về JCPOA, trong đó Mỹ không phải là thành viên, nhưng là khách mời".
Diễn biến tích cực này đang gia tăng kỳ vọng rằng các nhà đàm phán Mỹ và Iran có thể sớm gặp mặt trực tiếp để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân đa phương.
Liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Tehran ngày 23/2 đã tạm dừng thực thi Nghị định thư Bổ sung đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Truyền hình nhà nước Iran cũng đưa tin Tehran chính thức bắt đầu hạn chế các cuộc thanh sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của nước này, được cho là nhằm gây áp lực để với các nước châu Âu và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần