Iran hối thúc châu Âu giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Qatar

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/6, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã kêu gọi châu Âu tận dụng sức ảnh hưởng của mình để thúc đẩy các nước khối Ả Rập tham gia đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: Reuters 
Trong bài phát biểu tại thủ đô Berlin (Đức), ngày 26/6, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã kêu gọi châu Âu sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để hối thúc các bên liên quan tiến hành đối thoại để nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng Qatar.
Ngoại trưởng Zarif đã chỉ trích lại tuyên bố của Ả Rập Saudi và các nước đồng minh cáo buộc Iran và Qatar hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố, đồng thời khẳng định việc làm này nhằm trốn tránh trách nhiệm vì sự thất bại của những nước này trong việc giải quyết những mong mỏi của người dân.
“Trước đây là Iran, giờ là Qatar. Đó là âm mưu lảng tránh trách nhiệm, trốn tránh trách nhiệm giải trình cho sự thất bại vô cùng cơ bản của hệ thống nhà nước trong việc giải quyết các đòi hỏi của người dân", ông Zarif nói. 

Ngoại trưởng Iran kêu gọi thiết lập một cơ chế an ninh khu vực mới cho các nước vùng Vịnh. 
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã lên tiếng ủng hộ Qatar trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với các nước khối Ả Rập với cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 25/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hoan nghênh việc Qatar bác bỏ một bản yêu sách gồm 13 điểm của Ả Rập Saudi cùng các nước đồng minh đưa ra, đồng thời cho rằng “tối hậu thư” này là “trái với luật pháp quốc tế”.
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6, sau khi Ả Rập Saudi, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực. Qatar kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha. 

Nhiều nước, trong đó có Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang tích cực tìm cách hòa giải nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao này.