Kênh dẫn nước đi qua xã Tân Lập, huyện Đan Phượng: Dân khổ vì ô nhiễm

Bài, ảnh: Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kênh dẫn nước tưới tiêu từ trạm bơm Đan Hoài lấy ở sông Hồng cấp về cho các xứ đồng huyện Đan Phượng, Hoài Đức, quận Bắc Từ Liêm rồi mới dẫn ra sông Nhuệ.

Tuy nhiên, do một số tuyến kênh dẫn có cả nước thải của các làng nghề ở huyện Đan Phượng, Hoài Đức lưu thông rồi gặp nhau ở xã Tân Lập gây ô nhiễm môi trường.
Người dân gánh hậu quả
Kênh T1 - 2 dẫn nước sông Hồng từ trạm bơm Đan Hoài về sông Nhuệ cung cấp nước cho nhiều địa phương phục vụ sản xuất (SX) nông nghiệp. Khi nguồn nước được đưa về đi qua xã, gồm: Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập kéo dài khoảng 2km gặp kênh T1 - 3 dẫn nguồn nước thải từ xã Đức Giang, Đức Thượng, Dương Liễu và thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), nơi có nhiều làng nghề SX sản phẩm nông sản, làm bún, sau đó đi qua đô thị Tân Tây Đô chảy xuống xã Tân Lập.
 Kênh dẫn nước đi qua xã Tân Lập bị ô nhiễm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương và phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm).
Cùng với đó, kênh Pheo đi qua khu dân cư xã Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Tân Lập cũng đảm đương nhiệm vụ dẫn nước thải sinh hoạt của làng nghề chuyên làm đậu phụ, nấu rượu dẫn ra tuyến kênh đi qua xã Tân Lập rồi xuống phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) đổ về sông Nhuệ.
Để làm rõ thực trạng ô nhiễm dòng kênh, ngày 10/3 phóng viên đã tiến hành khảo sát hiện trường cả 3 tuyến kênh dẫn nước đi qua xã Tân Lập rồi đổ về phường Tây Tựu. Qua đó thực tế cho thấy, toàn bộ dòng kênh đi qua xã Tân Lập nước có màu đen kịt và hôi thối, ruồi muỗi vo ve khắp dòng kênh đi qua trước cửa nhà hàng trăm hộ dân. Đa phần các hộ dân ở ven dòng kênh đều đóng cửa nhà im ỉm cả ngày để tránh mùi hôi thối.
Tại thời điểm phóng viên có mặt, chỉ có kênh Pheo và kênh T1 - 3 dẫn nước thải sinh hoạt và nước thải SX làng nghề ở huyện Hoài Đức và Đan Phương vẫn chảy bình thường. Điều này cho thấy, mỗi khi trạm bơm Đan Hoài vận hành hút nước từ sông Hồng vào phục vụ SX thì nước dòng kênh mới giảm mùi hôi thối và chuyển sang màu đỏ phù sa.
Thủ phạm ở nơi khác
Ông Trần Quang Duật (cụm 5, xã Tân Lập) chia sẻ: Chỉ trong vài năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân sống ven kênh dẫn nước đi qua xã phải hứng chịu mùi hôi thối của dòng nước đen kịt. Mặc dù người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện mong sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước, tuy nhiên, chính quyền các cấp của huyện vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể. Đây là yếu tố dẫn đến việc thời gian qua người dân vẫn phải chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ dòng kênh dẫn nước.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Học cho rằng, trước đây trên địa bàn xã có một số DN xả thải nước chưa qua xử lý ra các tuyến kênh khiến cho dòng kênh thêm phần ô nhiễm nên đã bị lực lượng chức năng xử lý. Qua đó, DN đã phải khắc phục dứt điểm vi phạm theo chỉ đạo của chính quyền các cấp huyện Đan Phượng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước dòng kênh T1 - 3 bắt nguồn từ làng nghề huyện Hoài Đức đi qua xã gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng cho người dân.
Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, những năm qua, UBND huyện thường xuyên giao nhiệm vụ cho Công an huyện và Phòng TN&MT cùng các đơn vị kiểm tra, quyết liệt xử lý DN tự ý xả nước thải và khói trực tiếp ra bên ngoài làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, hiện trên địa bàn huyện không có DN nào vi phạm.
Ông Hoàng khẳng định: “Do một số địa phương của huyện Hoài Đức có làng nghề truyền thống đã xả nước thải không qua xử lý thẳng ra kênh T1 - 3. Đây là thủ phạm khiến dòng kênh đi qua xã Tân Lập luôn bị ô nhiễm và ảnh hưởng cho cả người dân phường Tây Tựu”.