Dấu chấm hết cho con đường chính trị của nữ Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Tòa án Trung tâm quận Seoul thông qua lệnh bắt giữ bà Park Geun-hye được xem là dấu chấm hết cho con đường chính trị của nữ Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên.

 Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ra khỏi phòng điều trần tại Tòa án Trung tâm quận Seoul hôm 30/3.

Lịch sử đau thương

Sau phán quyết của Tòa án Trung tâm quận Seoul, cựu Tổng thống Hàn Quốc được đưa đến trung tâm giam giữ ở phía Nam Seoul, nơi đang giam những nhân vật chính trong vụ bê bối tham nhũng, gồm người bạn thân Choi Soon-sil và “thái tử” Samsung Lee Jae-yong. Trước vụ bắt giam, không ai có thể hình dung người phụ nữ từng được xem như “nàng công chúa” của chính trường Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ lại có kết cục bi đát như vậy. Theo luật, các công tố viên có 20 ngày để buộc tội và đưa bà Park ra tòa. Nếu bị kết án, cựu Tổng thống Hàn có thể phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam. 

Chính trường Hàn Quốc đã có những phản ứng trái chiều trước phán quyết của tòa án, tuy nhiên, đa số các đảng phái nước này đều bày tỏ thái độ ủng hộ. Đại diện đảng Hàn Quốc Tự do của cựu Tổng thống đã ra một thông cáo nhận định, vụ bắt giữ là “sự đáng tiếc”, đồng thời bày tỏ hy vọng phần “lịch sử đau thương” như vậy sẽ không lặp lại. Trong khi đó, đa số các đảng đối lập, bao gồm đảng Dân chủ chính đối lập, đảng Nhân dân và đảng Bareun đều có chung quan điểm cho rằng, quyết định của tòa án là một “kết quả tất yếu” dựa trên tính nghiêm minh của luật pháp. Các đảng đối lập cũng nhân cơ hội này để kêu gọi sửa đổi lại hệ thống chính phủ vốn vẫn tập trung rất nhiều quyền lực vào tay Tổng thống nhằm ngăn chặn sự tái diễn của các vụ bê bối như trên.

Thách thức lớn

Việc bà Park Geun-hye chính thức bị bắt giữ đồng nghĩa với khả năng các công tố viên sẽ sớm kết thúc quá trình điều tra vụ bê bối tham nhũng gây rúng động chính trường Hàn Quốc. Như vậy, Hàn Quốc sẽ sớm phải bắt tay vào cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 9/5 tới. Tuy nhiên, một cuộc bầu cử sớm cũng được cho là thách thức lớn đối với các ứng cử viên, nhất là trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn từ cả trong và ngoài nước. Điển hình như tình trạng gia tăng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung, sau khi Bắc Kinh thực hiện hành động “trả đũa” do Seoul triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao (THAAD). Hay tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang chậm lại, áp lực cải tổ các tập đoàn gia đình (chaebol) vốn đóng vai trò trung tâm trong vụ bê bối tham nhũng.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây do Viện Gallup thực hiện cho thấy, có tới 31% số người được hỏi ủng hộ ứng cử viên Moon Jae-in - cựu lãnh đạo đảng Dân chủ chính đối lập chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh. Trong vấn đề chính trị, ông Moon được xem là một nhà lãnh đạo “quá hiền”, bởi chưa thể hiện rõ lập trường đối với các vấn đề của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong vấn đề kinh tế, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ chính đối lập nhận được nhiều sự ủng hộ. Do ông Moon đã đề ra cam kết sẽ đặt dấu chấm hết cho thói quen “nương nhẹ” các tội hình sự mà giới chaebol phạm phải, và phá vỡ mối quan hệ “ngầm” giữa chính phủ - chaebol của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới này.

Câu hỏi được đặt ra sau cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới là vấn đề cải cách lần này sẽ đi sâu đến đâu. Liệu Tổng thống mới có giải quyết được vấn đề mọi người chỉ trích bấy lâu nay khi mà vai trò của các chaebol trong nền kinh tế Hàn Quốc quá lớn.