Kết cục của kẻ lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, TAND TP Hà Nội đã liên tiếp đưa các vụ án bị lừa đảo “chạy” xin học vào các trường “hot” ra xét xử.

Điển hình là vụ Phạm Quốc Long (Thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu, SN 1964, ở quận Đống Đa) tự cho rằng mình có khả năng chạy vào học các trường thuộc ngành công an rồi cùng bạn lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều bị hại số tiền hàng tỷ đồng được đưa ra xét xử đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh khi muốn cho con em mình vào top trường “hot”.

Nhiều nạn nhân sập bẫy

Theo cáo trạng truy tố, vào các ngày 8 và 11/4/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội nhận được đơn của chị Cao Thị H. (SN 1983, ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) và anh Nguyễn Hoàng Q. (SN 1980, trú tại ngõ Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) tố cáo Huỳnh Quang Phong (SN 1961, ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa) - là bạn của bị cáo Long có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 630 triệu đồng của hai bị hại để xin cho người quen của họ vào học tại các trường Trung cấp cảnh sát Nhân dân.
 Bị cáo Phạm Quốc Long (bên trái) cùng Huỳnh Quang Phong (bên phải) tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình

Quá trình điều đa, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội đã xác định được, năm 2009, các con của Long và Phong vốn cùng học một lớp ở bậc phổ thông và chơi với nhau rất thân thiết. Từ tình cảm gắn bó của hai đứa trẻ, bị cáo Phong và Long cũng nhanh chóng trở thành “đôi bạn thân”. Trong những lần nói chuyện, tán gẫu, bị cáo Long đã cho Phong biết có người nhà bên vợ làm việc ở Bộ Công an và bản thân đối tượng cũng từng là sỹ quan quân đội nghỉ hưu nên có rất nhiều mối quan hệ. Với những mối quan hệ sẵn có đó, Long đã “chém gió” với Phong rằng có thể chạy được cho nhiều người vào học tại các trường thuộc lực lượng vũ trang, công an.

Để rồi, cũng từ câu chuyện của “người bạn thân” là Long, bị cáo Phong đã luôn giới thiệu với người quen rằng mình là Chủ tịch HĐQT một công ty và có nhiều quan hệ nên có khả năng xin học vào các trường thuộc ngành công an. Tưởng Phong “ngon lành” thật, vào tháng 8/2014, thông qua mối quan hệ xã hội, chị Cao Thị H. hỏi Phong có xin được cho cháu mình vào học ở một trường trung cấp công an không. Thấy vậy, Phong đã điện thoại hỏi “bạn thân” thì Long nói xin được với chi phí 350 triệu đồng. Sau đó, Phong nói lại với chị H. và tăng chi phí xin học lên 400 triệu đồng.

Để tạo niềm tin, sau khi nhận tiền của nạn nhân, bị cáo Phong viết giấy cam kết đến tháng 11/2014 cháu của chị H. sẽ được nhập học. Sau khi nhận đủ số tiền của gia đình chị H. thì Phong đưa cho Long 350 triệu đồng để lo chạy học, còn bản thân giữ lại 50 triệu đồng hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, khi nhận được số tiền trên từ Phong, bị cáo Long đã sử dụng để trả nợ và ăn tiêu hết. Và rồi, khi đến hẹn không thấy có giấy báo nhập học cho cháu mình, chị H. hỏi thì Phong viện ra đủ lý do để khất lần.

Cùng thời điểm này, anh Trần Vĩ Đ. (ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cũng có nhu cầu xin học cho con. Qua người quen giới thiệu, tháng 11/2014, anh Đ. đã nhờ chị H. xin giúp cho con trai mình vào học tại một trường trung cấp công an khác. Trước khi nhờ xin học cho con anh Đ., chị H. hỏi Phong đã có kết quả của cháu mình chưa thì được khẳng định, trường hợp của cháu chị đã được duyệt rồi và chỉ còn chờ hoàn tất hồ sơ để nhà trường làm giấy báo nhập học. Tin tưởng những điều Phong nói, chị H. tiếp tục nhờ xin học cho con anh Đ. Giống như lần trước, Phong cũng hỏi Long việc này và được ra giá 350 triệu đồng. Phong nói với chị H. chi phí vụ này 380 triệu đồng. Chị H. nói lại với anh Đ. và anh này đồng ý chi số tiền trên để xin học cho con. Sau khi nhận tiền, Phong cũng chuyển lại cho Long nhưng đến hẹn không thực hiện được như đã hứa.

Tương tự, trước đó (tháng 4/2014), cũng thông qua mối quan hệ xã hội, anh Phạm Văn L. (SN 1980, ở quận Cầu Giấy) đã nhờ Phong chạy cho người thân được vào học tại một học viện ở Hà Nội với chi phí 350 triệu đồng. Nhận tiền của anh L., Phong chuyển phần lớn số tiền đó cho Long nhưng rút cuộc mọi việc vẫn không được việc. Quá thời gian cam kết, anh L. không thấy người thân được gọi nhập học nên đề nghị Phong hoàn trả lại tiền và tiếp tục được gạ gẫm cho người thân chuyển sang học hệ trung học chuyên nghiệp cũng thuộc lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, với sự tỉnh táo của bản thân, anh L. lập tức từ chối và cuối cùng “bộ đôi” lừa đảo đành phải hoàn trả 350 triệu đồng cho bị hại.

Cũng theo truy tố, ngoài hành vi lừa đảo xin học như trên, năm 2009, bị cáo Phong còn lấy danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và thương mại Hồng Linh vay của ông Hồ Sỹ Đ. (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) số tiền 1 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích kinh doanh. Đến nay, Phong vẫn chưa trả cho ông Đ. số tiền này. Còn trước đó, vào năm 2007, Phong đã thực hiện hành vi chiếm dụng vốn của anh Nguyễn Quang S. (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) 200 triệu đồng liên quan đến việc góp tiền mua chung đất ở xã Quang Minh (huyện Mê Linh). Sau khi nhận số tiền này, Phong không sử dụng vào việc mua đất như đã nói mà sử dụng vào mục đích kinh doanh dẫn tới thua lỗ nên không có tiền trả.

Kết thúc quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, trong thời gian từ tháng 4 – 11/2014, mặc dù không có chức năng, khả năng xin vào học tại các trường công an, nhưng “bộ đôi” Phong và Long đã đưa ra thông tin không đúng sự thật, lợi dụng lòng tin của mọi người và dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tiền của ba bị hại với tổng số tiền 980 triệu đồng. Trong đó, Long chiếm đoạt 840 triệu đồng và Phong chiếm đoạt 140 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, hai bị cáo mới chỉ khắc phục được hậu quả bằng cách hoàn trả cho các bị hại một phần tiền đã nhận.

Lừa đảo vì cần tiền trả nợ

Tại phiên tòa, khi trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX), Long khai nhận, bị cáo là quân nhân nhưng đã nghỉ hưu từ năm 2011. Mặc dù không có quan hệ, không có khả năng xin học vào các trường công an nhưng với mục đích cần tiền trả nợ nên đã nói dối Phong để cầm tiền của bị hại.

Trong khi đó, Phong khai, do tin tưởng Long nên trước khi nhận lời với người có nhu cầu xin cho con, em họ vào học ở các trường công an, bị cáo đều hỏi Long. Khi thấy Long khẳng định xin được, Phong mới nhận lời với bị hại. Số tiền nhận của họ, Phong đều đưa cho Long theo yêu cầu, còn bản thân chỉ giữ lại phần chênh lệch. Tại tòa, bị cáo Phong cũng khẳng định, toàn bộ số tiền chênh lệch 140 triệu đồng đã chiếm hưởng trước đó của các bị hại đều đã được khắc phục hết.

Quá trình mở tòa, HĐXX đã xác định, hành vi phạm tội trên của hai bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội và coi thường pháp luật nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Từ những nhận định đó, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Quốc Long 9 năm tù và Huỳnh Quang Phong 5 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc hai bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại theo luật định.

Cảnh báo

Theo cơ quan công an, phương thức, thủ đoạn lừa đảo mà những đối tượng như Long và Phong đã thực hiện đều có chung một cách là chủ động tiếp xúc, làm quen với nhiều người và kể cả những người đã quen biết từ trước để đưa ra các thông tin không có thật như: Có người thân hoặc quen biết với nhiều người là lãnh đạo cấp cao công tác ở Bộ Công an và các trường của lực lượng công an nên có thể xin cho con em, người thân của họ được tuyển vào học. Bên cạnh đó, có thể xin được đi học cử tuyển trong các trường công an và xin cho những người học ngành ngoài vào công tác tại các trường, đơn vị công an…

Chỉ khi “tiền mất, tật mang” và mọi hy vọng cho con em mình được vào học, làm việc trong các trường thuộc lực lượng công an đều tiêu tan thì các nạn nhân mới nhận ra rằng chính sự cả tin, ảo tưởng không từ thực lực của mình đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo hoạt động, lợi dụng. Đây chính là bài học cho nhiều người khi đặt niềm tin mù quáng vào những kẻ lừa đảo.

Cũng theo cáo trạng, đối với hai vụ việc bị cáo Phong lừa ông Hồ Sỹ Đ. và anh Nguyễn Quang S., do xác định là quan hệ dân sự và không có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định không truy tố.