Kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương: Hình thành những chuỗi cung ứng bền vững

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động giao thương hàng hóa không chỉ tạo cơ hội cho các DN tiêu thụ sản phẩm, đồng thời từng bước trở thành cầu nối kinh tế quan trọng của Hà Nội và các tỉnh, TP. Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng khi nói về tác dụng của hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương trong thời gian qua.

 Doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh kết nối cung cầu tại Hội nghị kết nối cung cầu Hà Nội và các tỉnh 2017. Ảnh: Lê Nam
Cơ hội lớn cho người tiêu dùng và DN
Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn trong khi DN của TP chỉ có thể đáp ứng được từ 30 - 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, đồng thời tạo cơ hội cho DN các tỉnh, thành tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La... tổ chức các Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền, qua đó hỗ trợ DN giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, thông qua Hội chợ hàng Việt được tổ chức thời gian qua, 27 nhà phân phối, siêu thị Hà Nội đã kết nối, ký kết biên bản ghi nhớ với 80 DN sản xuất của 25 tỉnh, TP trong hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng giới thiệu, hỗ trợ sản phẩm lợi thế của 19 tỉnh, TP thâm nhập hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon, Central Group, Coop, Conad, Lotte, Big C... Bên cạnh đó, ngành công thương Hà Nội cũng liên tục tổ chức các chương trình giới thiệu, bán giá gốc hoặc quảng bá sản phẩm Việt tại các siêu thị thuần Việt như Hapro, Vinmart... Những hoạt động này không chỉ bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho Hà Nội mà còn góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Không dừng lại ở hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, đơn vị thường xuyên chủ động tổ chức xúc tiến công nghiệp với các tỉnh, thành về đầu tư phát triển nhà máy sản xuất, di dời cơ sở sản xuất đến địa điểm phù hợp hơn; Kêu gọi DN đầu tư sản xuất trên địa bàn Hà Nội. “Vừa qua Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội là DN của TP Hồ Chí Minh đã đưa nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao quy mô đầu tư 100 tỷ đồng vào hoạt động tại huyện Phúc Thọ”- ông Lê Hồng Thăng nêu ví dụ.

Đánh giá về kết quả hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm do Sở Công Thương Hà Nội triển khai trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nêu rõ: Việc Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chương trình liên kết đã tạo điều kiện cho các địa phương đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp DN chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt phần nào khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”.
 Doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh kết nối cung cầu tại Hội nghị kết nối cung cầu Hà Nội và các tỉnh 2017. Ảnh: Lê Nam
Hiệu quả trong kết nối cung - cầu

Có thể thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các DN địa phương, đáp ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương cho thấy: Trong quá trình kết nối tìm nguồn hàng, DN bán lẻ gặp không ít khó khăn khi nguồn cung ứng các tỉnh không đáp ứng được lượng hàng số lớn, chất lượng bảo đảm, đồng đều.

Nguyên nhân là do hầu hết các tỉnh cung ứng hàng hóa cho DN có ít DN lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, DN sản xuất. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam Vũ Thị Hậu và các DN bán lẻ Hà Nội nêu rõ: Mặc dù các hộ nông dân, HTX sản xuất nông sản hàng hóa nhưng vẫn theo tập quán truyền thống nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng và khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển, phương thức thanh toán... Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương trong việc hỗ trợ DN bán lẻ, sản xuất nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ.

Để công tác liên kết, kết nối cung cầu hàng hóa thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan kiến nghị: Các cấp chính quyền cần song hành với DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Bên cạnh đó, UBND TP và các tỉnh cần chủ động trong việc thực hiện các chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... thông tin đầu mối liên hệ để phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, tổng kết kết quả thực hiện. Đồng thời rà soát, cung cấp danh sách các DN, HTX sản xuất các sản phẩm có lợi thế của địa phương, cung cấp tới các sở, ngành Hà Nội để Sở Công Thương Hà Nội thông tin tới các DN bán lẻ kết nối, hợp tác.

Ngoài ra các tỉnh nên đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của Thủ đô Hà Nội (điện tử, da giày, dệt may, cơ khí, thực phẩm chế biến; các sản phẩm làng nghề...); Hợp tác chặt chẽ trong hoạt động khai thác, đa dạng nguồn hàng sản phẩm nông sản thực phẩm, thủy hải sản, đặc sản các tỉnh, TP đưa vào thị trường Hà Nội tiêu thụ.
Trong năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa giữa TP Hà Nội và tỉnh, TP trong cả nước thông qua tổ chức 4 hội nghị giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm trái cây trên cả nước. Xây dựng trang thông tin điện tử, kết nối quảng bá trái cây của Hà Nội và các tỉnh, TP bằng 5 thứ tiếng, qua đó xúc tiến tiêu thụ tại thị trường nước ngoài; Hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng tại Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2018 cho 60 DN, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của 30 tỉnh, thành; Hỗ trợ 40 lượt cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Hà Nội 80% chi phí thuê 160 gian hàng tại hội chợ công nghiệp, thương mại do các tỉnh, thành tổ chức.