70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội:

Kết nối cung cầu tạo cơ hội cho các tỉnh tiêu thụ hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, việc Hà Nội đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối cung cầu là giải pháp hỗ trợ các địa phương tiêu thụ hàng Việt.

Hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm

Hà Nội với dân số gần 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn trong khi doanh nghiệp Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 30 - 65% nhu cầu của người dân. Nhằm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung- cầu giữa các tỉnh, thành trên cả nước qua đó hỗ trợ các địa phương đưa sản phẩm về Hà Nội tiêu thụ.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Hà Nội cùng với 30 tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động kết nối cung- cầu hàng hóa phục vụ thị trường Thủ đô. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương… làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Hà Nội để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng.

Người tiêu dùng mua sản phẩm Việt tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua sản phẩm Việt tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam

Bên cạnh đó, tổ chức trên 40 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức qua đó giới thiệu 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành đến hệ thống phân phối Hà Nội. “Thông qua những hoạt động này, riêng năm 2023 TP Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ trên 500.000 tấn sản phẩm hàng Việt”- ông Hiệp nêu rõ.

Đánh giá lợi ích mà hoạt động kết nối vùng mang lại cho doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Hà Trung (tỉnh Phú Yên) Nguyễn Thị Hà cho biết, thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối vùng đã tạo cơ hội để doanh nghiệp đưa các sản vật vùng miền đến các nhà cung cấp, hệ thống bán lẻ Thủ đô tiêu thụ.

Dưới góc độ doanh nghiệp bán lẻ, đại diện tập đoàn Central Retail cho hay, thông qua hoạt động kết nối giao thương liên kết giữa các vùng, hệ thống siêu thị Big C đã ký kết nhiều thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm nông sản và các mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng dùng nhanh. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh Hà Nam, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị.

Người tiêu dùng mua hàng Việt tại Tuần hàng Việt do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại Tuần hàng Việt do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam

Tương tự, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki thông tin, khi có sự liên kết giữa các nhà cung cấp nhỏ lẻ trong vùng và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý sẽ giúp khâu logistics được hiệu quả hơn. Đối với các nhà cung cấp địa phương, AEON hy vọng sẽ xây dựng những tổng kho tại các vùng nguyên liệu để tập kết, phân loại phù hợp với từng loại sản phẩm trước khi đưa vào siêu thị tiêu thụ.

Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều chuyên gia bán lẻ cho rằng, vấn đề liên kết vùng vẫn tồn tại nhiều nút thắt, như tính liên kết giữa các địa phương, các vùng còn lỏng lẻo, mang tính tự phát.

Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Minh Tuấn nêu rõ, thực tế quá trình thu mua nông sản cho thấy các tỉnh còn ít doanh nghiệp đầu mối quy mô lớn thu mua hàng hóa, khiến doanh nghiệp Hà Nội gặp khó khăn trong quá trình thu mua lượng hàng lớn khi có nhu cầu.

Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường, nên công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. “Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ”- ông Tuấn phân tích.

Nông sản các tỉnh phía Nam bầy bán tại siêu thị Co.op Mart thu hút người tiêu dùng tìm mua. Ảnh: Hoài Nam
Nông sản các tỉnh phía Nam bầy bán tại siêu thị Co.op Mart thu hút người tiêu dùng tìm mua. Ảnh: Hoài Nam

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến việc liên kết vùng chưa thực sự chặt chẽ là do nhiều địa phương còn tư tưởng cục bộ. Ngoài ra một số tỉnh, thành chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, vẫn còn tình trạng các địa phương mạnh ai nấy làm.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu thông tin, hiện vẫn còn có tình trạng thống lĩnh độc quyền của một số siêu thị, khiến việc đưa hàng Việt, hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào siêu thị gặp nhiều khó khăn, trong đây là sự mong đợi và đích hướng đến của doanh nghiệp, nhà sản xuất.

“Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nhà bán lẻ, đòi hỏi Nhà nước, các đơn vị phân phối và sản xuất cần chung tay xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm của nhà phân phối rất quan trọng, bởi họ nắm rõ người tiêu dùng cần gì, từ đó định hướng cho nhà sản xuất”- bà Hậu hiến kế.

Thực phẩm sạch của các tỉnh bầy bán tại Big C Thăng Long thu hút người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Hoài Nam
Thực phẩm sạch của các tỉnh bầy bán tại Big C Thăng Long thu hút người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Hoài Nam

Để có thể đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối cung cầu, dưới góc độ cơ quan quản lý,  Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, để tăng cường sự liên kết vùng, cần phải tập trung thu hút phát triển mạng lưới logicstic, các chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại gắn với các cảng biển, cảng hàng không của Hà Nội và các tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hình thành các sàn giao dịch hàng hóa, hội chợ quy mô lớn...

“Các địa phương cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung về sản phẩm chủ lực của các tỉnh. Khi có cơ sở dữ liệu chung sẽ tạo thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng, hướng đến giá cả cạnh tranh. Khi có những sản phẩm đang hút khách hay giá cả tăng vọt, trên cơ sở dữ liệu này, chỉ cần tra thông tin thì cơ quan quản lý, doanh nghiệp sẽ nắm được mặt hàng này ở địa phương nào đang dư thừa để điều phối cung ứng kịp thời, tránh nguy cơ thiếu hay đứt gãy chuỗi nguyên liệu sản xuất”- bà Nga đề xuất.