Kêu gọi ủng hộ từ thiện thế nào mới đúng luật?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia luật, để tránh những lùm xùm như một số nghệ sĩ trước đây, các cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp, ủng hộ từ thiện cần tuân thủ các quy định tại Nghị định 93 ngày 27/10/2021 của Chính phủ.

Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên
Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Vừa qua, khi bão Noru đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã kêu gọi người dân ủng hộ tiền vào một tài khoản để hỗ trợ đồng bào miền Trung. Đồng thời, người đẹp cũng đóng góp 50 triệu đồng giúp đỡ bà con. Tuy nhiên, động thái trên của hoa hậu nhận nhiều ý kiến khác nhau từ công chúng. Có người cho rằng, nên kêu gọi mọi người ủng hộ vào quỹ của MTTQ, Hội Chữ thập đỏ thay vì vào tài khoản của cá nhân. Trong khi đó, một số ý kiến khác đánh giá việc làm của hoa hậu nên được ghi nhận, thay vì bị chỉ trích.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, theo quy định Nghị định 93/2021/NĐ-CP, cá nhân kêu gọi từ thiện phải tuân thủ các quy định sau: Thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối. Gửi thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu.

Bên cạnh đó, phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận. Có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Ngoài ra, theo các chuyên gia luật, các cuộc kêu gọi quyên góp từ thiện cần vận dụng hiệu quả những quy định mới để tránh những lùm xùm như thời gian qua. Trong đó, điều quan trọng nhất là tính công khai, minh bạch, ghi chép và phối hợp, báo cáo để cơ quan chức năng giám sát, hỗ trợ không chỉ giúp điều phối hợp lý các nguồn cứu trợ mà còn bảo vệ an toàn cho cá nhân, tổ chức. Trong hoạt động vận động từ thiện, tính minh bạch phải được đảm bảo trong cả 4 giai đoạn: Thông báo vận động, tiếp nhận đóng góp, phân phối viện trợ và ghi chép sổ sách.