Khá giả nhờ nghề đan nan cót

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghề đan nan cót ở làng Muôn (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai) có truyền thống hàng trăm năm.

Dù chỉ là nghề phụ, nhưng đang giúp mang lại thu nhập khá cho người dân nơi đây.
Nghề phụ thu nhập chính
Đường đê sông Tích ngoằn nghoèo dẫn chúng tôi về với làng Muôn. Ngôi làng đã “thay da đổi thịt” rất nhiều kể từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới về với miền quê này. Ven con đường được bê tông hóa khang trang, là tre, nứa được phơi la liệt. Vài người dân chỉ tay về phía khu xưởng sản xuất nhà ông Nguyễn Văn Phúc khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về nghề đan nan cót của làng - một trong những gia đình làm nghề lâu năm bậc nhất và hiện cũng là hộ có khu xưởng sản xuất nhiều sản phẩm nhất của làng.
 Nghề đan nan cót xuất khẩu ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai.
Tới nơi, một nhóm công nhân, nam có, nữ có, từ độ tuổi trung niên đến “có tuổi” đang nhanh tay vít nan, đan lát những sản phẩm bằng tre, nứa. Một vài người vận chuyển, sắp xếp sản phẩm gọn gàng. “Mai tiểu thương về thu gom, chuyển lên xe container đưa về Hải Phòng để xuất khẩu…” - ông Phúc bảo.
Hiện, gia đình ông Phúc có trên 10 nhân công làm việc thường xuyên. Do diện tích khu xưởng hạn chế, ông thuê khoán trên 100 hộ trong làng đan lát sản phẩm tại nhà. Khi sản phẩm hoàn thành, ông cử nhân công tới thu gom về xưởng. Ông Phúc cho hay, doanh thu từ nghề đan lát của gia đình đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, trừ các khoản chi phí sản xuất, lợi nhuận những năm gần đây không dưới 250 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Lương - Trưởng thôn Muôn chia sẻ, toàn thôn có khoảng 235 hộ thì hiện gần như nhà nào cũng có từ 1 - 2 người tham gia làm nghề. Trong đó, có 4 hộ sản xuất với quy mô lớn giống như gia đình ông Phúc. Dù chỉ là nghề phụ những khi nông nhàn, tuy nhiên, nghề đan nan cót xuất khẩu lại đang là nguồn thu chính của nhiều người dân. Một lao động bình thường có thể làm ra số sản phẩm quy đổi bằng tiền công khoảng 60.000 đồng/ngày. Đối với thợ lành nghề, việc kiếm được trên dưới 100.000 đồng/ngày không phải quá khó! Nhờ nghề đan nan cót, thu nhập của một bộ phận người dân đã được cải thiện đáng kể, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người xã Tuyết Nghĩa lên mức 33 triệu đồng/người/năm.
Mong được hỗ trợ nhiều hơn 
Ông Đặng Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa cho biết, trước đây, trên địa bàn còn có làng Ro cũng làm nghề đan nan cót. Nhưng hiện nay, làng này đã chuyển sang làm nghề mộc, chỉ còn lại làng Muôn sản xuất mặt hàng nan cót truyền thống. Thực tế, quá trình đan nan cót không có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới môi trường, bởi tiếng ồn và bụi phát sinh là không đáng kể. Tuy nhiên, địa phương vẫn phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ sản xuất chú ý tới việc phơi nguyên vật liệu, tránh để ảnh hưởng tới việc đi lại của bà con.
Ông Đặng Văn Tùng cho biết thêm, sản phẩm nan cót làng Muôn hiện vẫn tiêu thụ tốt trên thị trường. Thế nhưng, trước xu thế cạnh tranh ngày một lớn, cũng như sự thay đổi liên tục trong thị hiếu người tiêu dùng, người dân địa phương mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn. Theo đó, bên cạnh hỗ trợ liên kết tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nan cót, chính quyền các cấp của TP cần tiếp tục quan tâm, triển khai sâu rộng, thường xuyên các chính sách về vay vốn, đào tạo nghề, hướng tới việc phát triển, mở rộng những công xưởng đan nan cót có quy mô lớn hơn. Đó là cách tốt nhất để phát huy hiệu quả kinh tế của làng nghề truyền thống, thu hút lao động và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Đồng thời là giải pháp hữu hiệu, thực tế giúp một bộ phận người dân “ly nông không ly hương” giải quyết áp lực quá tải nhân lực ở các TP lớn.