Chính sách đãi ngộ chưa thu hút được đội ngũ nhà giáo chất lượng cao

Trung Anh - Ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 theo hình thức trực tuyến qua 63 điểm cầu.

Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình. Tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.
Nhiều khó khăn

Theo báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017 của Bộ GD&ĐT, năm qua, ngành giáo dục đã thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành. Trong đó, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường đại học, quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên. Đồng thời, đang hoàn thiện để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng bộ chuẩn quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cấp tỉnh, TP. Đặc biệt, dấu ấn của năm vừa qua là ngành giáo dục đã tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia 2017, với việc lần đầu tiên giao cho các địa phương chủ trì, giúp thí sinh tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại, khi được tham dự kỳ thi ở ngay tại địa phương của mình.
Toàn cảnh Hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đánh giá kỳ thi THPT Quốc gia 2017 có nhiều điểm mới và đề nghị duy trì phương án thi trong nhiều năm tới tránh việc liên tục thay đổi, gây khó cho giáo viên và học sinh. Năm học 2016 - 2017, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi gặt hái nhiều thành công. Bằng chứng là tất cả đội tuyển của Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học, Hóa học, Vật lý, Tin học... đều có Huy chương Vàng. Điều này minh chứng cho chất lượng giáo dục phổ thông không ngừng được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành giáo dục đào tạo vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là tình trạng thiếu trường, lớp mầm non ở các tỉnh, TP có khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu đông dân cư vẫn chưa được khắc phục. Điều này dẫn đến sĩ số học sinh mầm non, phổ thông/lớp ở một số địa phương còn cao so với quy định. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, đây chính là những điểm yếu mà ngành cần khắc phục để nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Việc chuyển giáo viên phổ thông dôi dư dạy mầm non chưa qua đào tạo ở một số địa phương như ở Thanh Hóa... đã gây bức xúc trong ngành và xã hội.

Lùi thời gian triển khai chương trình mới

Tại Hội nghị, đại diện nhiều địa phương đã kiến nghị nên lùi thời gian triển khai chương trình, SGK mới để địa phương có thời gian chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, tâm lý... nhằm triển khai tốt nhất chương trình mới.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế Phạm Văn Hùng đánh giá, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT) đã được Bộ GD&ĐT thông qua khá hoàn chỉnh; đáp ứng dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh; các môn học, dung lượng kiến thức, phân bổ thời gian từng môn học và trong tổng thể chương trình được tính toán cân đối, phù hợp. Với địa phương, tâm thế của cán bộ quản lý và giáo viên rất sẵn sàng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế vẫn mong muốn Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ cho lùi thời gian triển khai chương trình mới 1 năm. “Thừa Thiên Huế có khoảng 17.000 giáo viên, chúng tôi cần có thời gian để đội ngũ này thực sự, hiểu, thấm về chương trình mới cũng như có thời gian để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để triển khai chương trình”, ông Phạm Văn Hùng chia sẻ.

Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định, Nghệ An. Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, nên lùi thời gian triển khai chương trình, SGK mới để địa phương có thời gian chuẩn bị. “Dù đã rất quan tâm nhưng cơ sở vật chất, đặc biệt các địa phương vùng núi còn nhiều khó khăn; đội ngũ giáo viên cũng còn có những bất cập. Do đó, nên giãn tiến độ, lùi thời gian thực hiện để địa phương có thể chuẩn bị đầy đủ hơn, từ đó triển khai chương trình mới hiệu quả, chất lượng”, vị này đề xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, chính sách đãi ngộ đội ngũ nhà giáo chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành; công tác quy hoạch, kế hoạch chưa sát với thực tiễn, chưa quan tâm đến các điều kiện đảm bảo chất lượng... “Qua Hội nghị, rất mong lãnh đạo các địa phương thảo luận, đưa ra giải pháp để khắc phục những hạn chế của năm học cũ”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.