Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng: Quản lý chặt để tránh tác động tiêu cực

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đánh giá tác động nhiều đến việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản.

Quản lý hiệu quả hoạt động khai thác

Tính đến ngày 31/12/2021, hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD diễn ra tại 44/63 tỉnh, TP trong cả nước với khoảng 1.720 mỏ, điểm mỏ. Trên cả nước có 308 Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT và các cơ quan tương đương cấp phép đang còn hiệu lực. Trong đó nhiều nhất là đá ốp lát các loại (93 giấy phép), tiếp theo là đá vôi làm xi măng (83 giấy phép) và sét làm xi măng (59 giấy phép). Tổng diện tích đã cấp phép các loại khoáng sản là 13.625ha với tổng trữ lượng đã được cấp phép đưa vào khai thác là 4.382,8 triệu tấn và đá ốp lát là 170,23 triệu mét khối.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết. Ảnh minh họa
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thời điểm lập quy hoạch trước đây, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thực hiện còn hạn chế nên một số thông tin về vị trí, tọa độ, diện tích, địa danh và tiềm năng khoáng sản làm VLXD chưa đầy đủ và chính xác, gây khó khăn cho công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản. Bên cạnh đó, diện tích, quy mô, công suất trong quy hoạch trước đây cũng không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và giai đoạn khai thác. Tình trạng khai thác khoáng sản ở một số địa bàn vẫn còn gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

Ngoài ra, theo Bộ TN&MT, mặc dù Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện nhưng nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền quản lý, sử dụng đất, rừng hợp pháp của mình để khai thác khoáng sản trái phép. Điển hình là hoạt động khai thác than trong vườn nhà của người dân ở các khu vực mỏ than tỉnh Quảng Ninh; khai thác quặng cao lanh, đá cảnh, khai thác nước khoáng trong diện tích đất được giao sử dụng tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Ninh Bình; khai thác vật liệu xây dựng thông thường (san lấp) diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Phúc...

Để khắc phục những bất cập trên, nhiệm vụ lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết và được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 25/12/2023. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, quy hoạch đưa ra các chỉ tiêu về thăm dò, khai thác trong từng giai đoạn cho cụ thể các nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: xi măng; đá ốp lát, mỹ nghệ; gốm sứ, vật liệu chịu lửa; kính xây dựng; vôi công nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhìn nhận, quy hoạch đã giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện của quy hoạch thời kỳ trước. Đặc biệt là việc giao thoa, chồng lấn giữa các khu vực/mỏ khoáng sản làm VLXD trong Quy hoạch với các quy hoạch/dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; với các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã phê duyệt; với các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia do Bộ tài TN&MT chủ trì lập và quy hoạch các loại khoáng sản do Bộ Công Thương chủ trì lập...

Nhiều điểm tích cực

Theo các chuyên gia đánh giá, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng sẽ bảo đảm chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ đối với ngành xây dựng; đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và đô thị hóa. Đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm nhất là đối với lao động địa phương; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp nguồn thu cho địa phương.

Nguyên liệu khoáng là nguồn tài nguyên để phát triển công nghiệp sản xuất VLXD cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đã thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất VLXD phát triển. Bên cạnh đó, giá trị tài nguyên khoáng sản đã được lượng hóa, mang lại đáng kể cho ngân sách Nhà nước thông qua việc thu tiền sử dụng số liệu và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Về phía DN, Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ Vật liệu Công ty CP Module 9 Bùi Xuân Chiến nhìn nhận, theo quy hoạch mới, để tránh tình trạng tổn thất tài nguyên và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, thuế tài nguyên cần chuyển từ cách tính theo sản lượng khai thác sang tính theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt. Tùy thuộc vào loại hình khoáng sản sẽ yêu cầu DN khai thác đổi mới công nghệ và thiết bị theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị công suất lớn, hiệu suất cao, có cơ cấu vận hành liên tục, vận hành linh hoạt, loại bỏ thiết bị cũ, lạc hậu.

"Việc khai thác đá ốp lát theo công nghệ “cắt dây” ngày càng được DN quan tâm đầu tư để nâng cao tỷ lệ thu hồi đá khối, chất lượng đá khối được nguyên trạng, đồng thời tích cực trang bị máy cắt CNC để chế biến đá tạo ra nhiều sản phẩm điêu khắc đá có chất lượng tốt, độ đồng đều cao, nâng cao giá trị sản phẩm" - ông Chiến cho hay.

 

Trong giai đoạn 2021 - 2030, Quy hoạch dự kiến cấp phép và đưa vào thăm dò 518 khu vực khoáng sản và cấp phép khai thác cho 931 khu vực khoáng sản. Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến cấp phép và thăm dò 177 khu vực khoáng sản và cấp phép khai thác cho 931 khu vực khoáng sản. Tổng tài nguyên, trữ lượng huy động vào Quy hoạch là 26,6 tỷ tấn các loại khoáng sản và 2,25 tỷ mét khối đá làm ốp lát.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh