Khám chữa bệnh từ xa: Vướng đủ đường!

Bài, ảnh: Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khám chữa bệnh (KCB) từ xa được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng KCB tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm thời gian, kinh phí đi lại cho người bệnh. Tuy nhiên, việc triển khai KCB từ xa cần được tháo gỡ nhiều rào cản để mô hình hoạt động hiệu quả.

Nhiều khó khăn, thách thức
Là đơn vị triển khai thí điểm mô hình chẩn đoán bệnh từ xa với một số bệnh viện (BV) vệ tinh và theo dõi, quản lý sức khỏe người mắc các bệnh mãn tính, BV Đại học Y Hà Nội đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Chính phủ cũng như cộng đồng. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, kể từ khi khai trương hình thức KCB này, đến nay, BV đã tổ chức khám, tư vấn, hội chẩn từ xa mỗi tuần 2 lần cho 16 BV vệ tinh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện KCB từ xa.
Cùng với đó, việc chi trả cho các bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa đang gặp khó, cần có chế độ chính sách phù hợp. Đặc biệt, việc chi trả BHYT cho bệnh nhân cần rõ ràng để tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, hay thanh toán chi phí đường truyền KCB trực tuyến cho các cơ sở y tế cũng như việc bảo vệ quỹ BHYT, giảm tải cho các BV tuyến trên.
Đồng quan điểm, TS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc BV Nội tiết T.Ư cho rằng, triển khai KCB từ xa gặp khó do các yếu tố tác động từ bên ngoài (mất sóng, trang thiết bị kém). Mặt khác, hoạt động này phải bảo đảm vấn đề về pháp lý cho bác sĩ. Đặc biệt, việc chi trả phí cho các bác sĩ ra sao để bảo đảm công tác KCB hàng ngày ở BV.
Cũng là một trong 15 đơn vị tham gia hình thức KCB từ xa, đến nay, Viện Huyết học & truyền máu T.Ư vẫn đang trong giai đoạn lập đề án. theo TS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư, để mô hình hoạt động hiệu quả, người dân và BV có thể cùng tham gia chi trả phí KCB. Còn vấn đề công nghệ số liên quan đến đầu tư từ 2 phía là ngành y tế và các địa phương. Nếu sử dụng hình thức KCB này với các tỉnh vùng sâu, vùng xa, trước mắt, người dân đến KCB tại các TTYT, sau đó từ các TTYT lan tỏa đến các BV vệ tinh khác.
Không đưa BHYT vào, không thanh toán được chi phí
Chia sẻ về việc triển khai các giải pháp hiệu quả, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel (Viettel Solutions) Nguyễn Mạnh Hổ cho rằng, thách thức lớn nhất là phải thay đổi thói quen của người dân, các y bác sĩ từ cách thức KCB cũ sang phương pháp KCB mới.
"Viettel sẽ phối hợp với các BV, cơ quan quản lý của Bộ Y tế chuẩn hóa quy trình KCB từ xa. Trước mắt, Viettel sẽ mời cơ quan quản lý y tế tham gia đào tạo, tập huấn các cơ sở KCB với quy mô khác nhau để làm mẫu, từ đó xây dựng quy trình KCB, chuẩn hóa và đào tạo với quy mô lớn hơn" - ông Hổ nói.
Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế Trần Quý Tường cho rằng, việc tư vấn KCB từ xa giữa BV với BV cần áp dụng CNTT ở mức độ cao. Lâu dài, cần có cơ chế tài chính để đảm bảo tính bền vững cho đề án này.
"Đến thời điểm này đã có quy định chi trả cho KCB từ xa nhưng đang thiếu quy định xây dựng giá cho từng loại hình. Nếu không đưa BHYT vào Đề án thì không thể thanh toán được chi phí" - đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho hay. Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Lê Văn Khảm khẳng định, nếu quy định được giá cụ thể của từng loại hình KCB từ xa thì BHYT sẽ thanh toán được. Sau khi tính toán giá phải xác định đối tượng chi trả tư vấn KCB từ xa.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, KCB từ xa không làm thay đổi hệ thống mà mang tính hội chẩn liên viện, hội chẩn toàn tuyến, không thay thế KCB truyền thống. Hiện nay, có 2 vấn đề chính cần giải quyết là làm thế nào để các BV tuyến dưới được hỗ trợ chuyên môn; người dân được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.
Để Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020 - 2025 nhanh chóng được triển khai trong thực tế, Thứ trưởng Long đề nghị Vụ BHYT khẩn trương xây dựng cấu thành giá dịch vụ y tế, kết cấu trong BHYT để rõ ràng trong việc thanh toán, chi trả chi phí KCB từ xa cho người dân.