Khẩn thiết bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Internet mang đến cho trẻ em nhiều lợi ích về học tập, giải trí nhưng có nhiều nguy cơ bị xâm hại tình dục, bắt nạt, bóc lột trẻ em gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Các chuyên gia về trẻ em cho rằng cần khẩn cấp có “vaccine” để giúp trẻ chống lại những sự tấn công đó. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra trong “Tháng hành động vì trẻ em” - tháng 6/2020.

 Rất cần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh: Thủy Trúc

Môi trường mạng – tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại
Việt Nam thuộc top các quốc gia có lượng người dùng internet lớn nhất thế giới với 64 triệu, chiếm 66% dân số; trong đó, 1/3 người dùng ở độ tuổi 15 đến 24. Khi tham gia vào môi trường mạng, trẻ em có nhiều lợi ích nhưng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Điều này thể hiện ở mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, hầu hết về bạo lực, xâm hại tình dục.
Cứ 4 trẻ em được hỏi thì có 1 em chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; 1/3 từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng xã hội. Trẻ em gái bị bắt nạt trên môi trường mạng cao gấp 3 lần trẻ em trai.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế cũng chỉ ra, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đang là vấn đề đáng báo động. Năm 2018, Việt Nam có 706.435 vụ báo cáo về hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN và sau Indonesia.
Trong báo cáo khảo sát tiếng nói trẻ em Việt Nam được MSD công bố ngày 2/6/2020, cho kết quả: Bắt nạt qua mạng là một trong 3 vấn đề trẻ em lo lắng hàng đầu và mong muốn Việt Nam cần hành động nhiều hơn để cải thiện và giải quyết. Bởi bắt nạn trẻ em trên môi trường mạng để lại di chứng đặc biệt nặng nề hơn so với bắt nạt học đường.
Viện trưởng MSD Nguyễn Phương Linh phân tích, bắt nạt học đường khu trú ở đối tượng đi bắt nạt em yếu ớt, ít phản kháng...; xảy ra ở nhà trường hay khu phố. Còn trên mạng xã hội, bất kỳ trẻ em nào cũng có thể trở thành người bị bắt nạt, đi bắt nạt và không có thông tin đúng - sai; muôn hình vạn trạng; không giới hạn về thời gian hay địa điểm.
Cho nên đối tượng bị bắt nạt trên môi trường mạng bị ảnh hưởng, tác động tâm lý sâu sắc hơn rất nhiều so với bắt nạt học đường. Việt Nam chưa có thống kê nhưng trên thế giới bắt nạt trên môi trường mạng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến trầm cảm và tự tử của người trẻ. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm và cần phải có “vaccine” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Muôn hình vạn trạng hành vi lôi kéo trẻ em
Internet và mạng xã hội chứa đựng rất nhiều thông tin và hữu ích đối với người khai thác nó; trong thời đại công nghệ số, chúng ta không thể cấm trẻ em tham gia không gian mạng, như thế sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức. Tuy nhiên, trẻ em vào internet phải đối mặt với không ít nguy cơ rủi ro, bị xâm hại. Trong 3 năm qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Số liệu này chưa phản ánh thực tế bức tranh trẻ em bị lạm dụng, ảnh hưởng trên môi trường mạng, dù các Luật Trẻ em, Tiếp cận thông tin, An toàn thông tin đã có các quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trong lĩnh vực này.
Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em UNICEF Việt Nam Lê Hồng Loan cho rằng: Các kẻ xấu thực hiện những hành vi xâm hại tình dục bằng nhiều hình thức (gạ gẫm, tán tỉnh, lôi kéo trẻ em tham gia vào các quan hệ tình dục trực tiếp hoặc không trực tiếp; yêu cầu trẻ em phô bày các bộ phận kín trên cơ thể rồi phát livestreaam). Lại có những đối tượng thu thập hình ảnh trẻ em, cơ thể các em và sử dụng nhằm xâm hại tình dục.
Trẻ em vui chơi tại Công viên Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Không chỉ vậy, các em cũng có nguy cơ tiếp xúc với những video, thông tin, hình ảnh khiêu dâm hay sai lệch. Trên môi trường mạng, không ít trẻ em vô tình tiết lộ thông tin cá nhân, bị dọa nạt, tống tiền, ép quan hệ tình dục, tham gia các hoạt động phi pháp. Thậm chí có em đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, buôn bán người...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy cũng chỉ ra thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lập phòng chat ảo, thiết lập hoặc tham gia các trang web, diễn đàn trên mạng để tìm kiếm trẻ em, sau đó thả tin nhắn, lời thoại làm quen. Bọn chúng lấy tên tuổi, hình ảnh giả và tạo ấn tượng ban đầu với các em là người có học thức, cuộc sống khá giả, hiểu tâm lý sở thích trẻ em và sẵn sàng chia sẻ.
Sau một thời gian trò chuyện với trẻ em về học hành, sở thích, bọn chúng chuyển sang chủ đề giới tính, tình dục, lôi kéo cùng xem phim, hình ảnh khiêu dâm trên mạng. Hay, gần đây mọi người vẫn nghe thấy những chuyện group chat kín liên quan đến xâm hại trẻ em, lưu truyền hình ảnh trẻ em qua mạng. Lại có những trào lưu khác trên mạng khuyến khích trẻ em tự tử, lôi kéo người khác cùng thực hiện hành vi này như “cá voi xanh”, là thông tin được bà Phương Linh nêu ra.
Các nhóm giải pháp hàng rào quan trọng nhất
Nhiều hậu quả khi trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng đã được chỉ ra. Trẻ bị thương tích, mang thai ngoài ý muốn, bị các bệnh tình dục, sang chấn tâm lý... ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý, khả năng học tập. Để giải bài toán này, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và tăng cường hợp tác quốc tế.
Đồng thời khẩn trương ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết về thi hành Luật An ninh mạng và có những giải pháp ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu độc trên mạng có thể dẫn tới nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Bộ GD&ĐT đưa những nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học và thông qua nhiều kênh khác nhau để học sinh tìm hiểu. Về phía các phụ huynh dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội an toàn...
Những người làm ở các tổ chức phi chính phủ cho rằng biện pháp quan trọng nhất để bảo đảm an toàn cho trẻ trên môi trường mạng chính là các em. Trẻ em cần được trang bị những kiến thức về sử dụng internet an toàn và phụ huynh cũng cần được hướng dẫn, nhất là những người có con nhỏ từ 6 tuổi trở xuống khi chưa tự bảo vệ bản thân. Các DN và công ty công nghệ xây dựng chương trình lọc, tháo gỡ, tự động xóa những website, trang thông tin, hình ảnh không phù hợp với trẻ em.
Về phía Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh đến các giải pháp tăng cường tính an toàn, lợi ích của môi trường mạng cũng như giảm thiểu nguy cơ trẻ bị xâm hại. Cục trưởng Đặng Hoa Nam kiến nghị các nhóm giải pháp, thứ nhất, kiểm soát bằng quy định pháp lý và giải pháp kỹ thuật việc cảnh báo, chặn, tháo gỡ thông tin không phù hợp, gây hại cho trẻ trên môi trường mạng.
Thứ hai, hệ thống pháp luật cần quy định chi tiết hơn, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính có những chế tài cụ thể với các hành vi vi phạm để bảo vệ trẻ em. Xử lý hình sự với những hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng gây ra hậu quả, phải tương đương với những hành vi trong thực tế.
Và, phải rất cụ thể quy trình hỗ trợ can thiệp các nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại trên môi trường mạng giống như các quy định của Nghị định 56 đối với những trường hợp trẻ bị xâm hại trong đời thực.
Phải truyền thông, giáo dục về trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng môi trường mạng cho trẻ em, người chưa thành niên, cha mẹ, nhà trường. Đây chính là những hàng rào quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nếu hàng rào này có vấn đề, lỗ thủng, khoảng trống thì tất cả các quy định pháp lý và sự can thiệp khác đều bị vô hiệu hóa.

Mỗi khi con mắc lỗi, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo hãy bình tĩnh lắng nghe con và phân tích điều phải, trái cho con hiểu, nhận ra lỗi lầm. Cha mẹ, thầy cô hướng dẫn và khuyến khích con làm việc tốt tránh mắc lại các sai phạm.

Đây chính là những kỹ năng trong phương pháp Kỷ luật tích cực được các nước văn minh áp dụng trong hệ thống giáo dục trong nhà trường và gia đình. Việc dạy trẻ em là vốn không phải việc dễ dàng; người lớn sẽ sai lầm khi cho mình quyền dạy bảo một cách thái quá khi sử dụng bạo lực hay xúc phạm gây tổn thương đến thể chất và tâm lý của trẻ.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Trọng An

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần