Khét tiếng một thời, IS hiện giờ ra sao?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với việc luôn công khai các cuộc tấn công của mình như trước đây, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày càng hành động âm thầm và kín đáo hơn.

Thế giới đừng lầm tưởng IS "hiền" hơn khi họ ít công khai các vụ tấn công hơn trước đây. 

Các chiến binh IS chạy trốn khỏi Baghuz, Syria bị lực lược SDF bắt giữ vào tháng 1/2019. Nguồn: Asia Times
Các chiến binh IS chạy trốn khỏi Baghuz, Syria bị lực lược SDF bắt giữ vào tháng 1/2019. Nguồn: Asia Times

Vào ngày 25/6/2023, tổ chức khủng bố này đã công bố trên Telegram một báo cáo về hoạt động quân sự ở Syria, đặc biệt là ở Deir Ezzor và Daraa. Trong đó, công chúng nhận thấy sự khác biệt so với trước đây khi báo cáo này đề cập đến một số cuộc tấn công mà IS chưa từng tiết lộ với giới truyền thông.

Mặc dù có quan điểm cho rằng IS không công bố là do mục tiêu của các cuộc tấn công này không hề mới, tuy nhiên một tài liệu bị rò rỉ đã cho thấy tổ chức khủng bố này đang xảy ra mâu thuẫn nội bộ.

Theo tài liệu bị rò rỉ vào ngày 20 và 21/6, bộ phận truyền thông của IS thường chịu trách nhiệm công khai các cuộc tấn công của tổ chức này, dựa trên việc tiếp nhận thông tin đầu vào từ địa phương và chuyển đến bộ phận trung tâm để xuất bản.

Tuy nhiên, quyết định có công khai một cuộc tấn công hay không tùy thuộc vào cả chỉ huy quân sự và lãnh đạo truyền thông cấp cao. Chỉ huy quân sự địa phương có quyền phủ quyết việc công bố nếu đi ngược lợi ích của họ.

Điều đáng chú ý là mâu thuẫn giữa giới truyền thông và chỉ huy quân sự của IS ở Syria về việc công khai các cuộc tấn công hay không. Chẳng hạn lãnh đạo ở Deir Ezzor cho phép công khai các cuộc tấn công của mình, còn chỉ huy ở Badia và Daraa thì không.

Nhiều ý kiến cho rằng một số khu vực không công khai các cuộc tấn công của mình là do lo ngại về an ninh.

Sự khác biệt về quan điểm này đã dẫn đến căng thẳng và tranh chấp nội bộ. Quan chức truyền thông chỉ ra rằng việc không công khai các cuộc tấn công sẽ gây bất lợi cho tổ chức, giúp đối thủ hưởng lợi và cản trở nỗ lực tuyên truyền.

Họ cho rằng việc công khai hoạt động sẽ giúp gieo rắc nỗi sợ hãi cho những “kẻ bội giáo” và truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công ở Syria. Để củng cố lập luận của mình, giới quan chức dẫn chứng việc lực lượng ở Iraq vẫn công khai hoạt động tấn công bất chấp áp lực quân sự khốc liệt.

Theo tiết lộ của một quan chức đứng đầu hoạt động của IS ở Badia, Syria, trong tháng 7/2022, tổ chức này đã tiến hành nhiều cuộc tấn công so với con số công khai rất nhiều. Vị chỉ huy này cũng cảnh báo những người khác không được tiết lộ tin tức và tuân thủ nghiêm ngặt tuyên bố chính thức của IS.

Trung tâm Thông tin Rojava, nơi giám sát các cuộc tấn công của IS tại những khu vực do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) kiểm soát, cho biết nhóm này đã thực hiện các cuộc tấn công bí mật ở phía đông bắc Syria và chỉ nhận trách nhiệm 185/285 vụ tấn công được thực hiện vào năm 2022.

Động thái tiết chế truyền thông của IS cũng giúp giới phân tích nhận ra rằng không thể chỉ dựa vào số lượng các cuộc tấn công đã công khai để đánh giá sức mạnh của quân đội IS. Họ nên tiếp cận một cách toàn diện hơn trong việc đánh giá sức mạnh cũng như mối đe dọa từ tổ chức khủng bố này.