Khi doanh nghiệp siêu nhỏ tìm cơ hội trên sàn thương mại điện tử

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và ngày càng trở thành một kênh quan trọng để các DN thay thế các phương thức thương mại truyền thống.

Trong bối cảnh này, khối DN nhỏ, siêu nhỏ và vừa (MSMEs) đã vận động mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, phù hợp với xu thế phát triển mới.

Theo các chuyên gia, khối DN MSMEs có thể tận dụng được những lợi ích đáng kể từ thương mại điện tử nếu họ chuyển đổi cơ cấu tổ chức, đầu tư vào các kỹ năng kỹ thuật số và thiết lập sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ.

Điều này giúp họ giảm rủi ro kinh doanh, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, cải thiện năng suất và quản lý chi phí cũng như tăng lợi nhuận của công ty. Trong đó, DN nên ưu tiên thương mại điện tử B2B, lựa chọn kênh bán hàng phù hợp và đầu tư vào các kỹ năng số để tham gia thương mại điện tử quốc tế một cách thành công.

Đại diện nền tảng thương mại điện tử Alibaba cho hay, ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số giúp giảm rủi ro kinh doanh, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, cải thiện năng suất và quản lý chi phí cũng như tăng lợi nhuận của công ty.

Alibaba.com cũng chỉ ra sự phổ biến ngày càng tăng của tính năng B2B livestream (phát trực tiếp giữa DN), một phương tiện tiếp thị kỹ thuật số hữu hiệu cho MSMEs. Tính năng này đã và đang thu hút được sự chú ý trên nền tảng Alibaba.com với tổng hơn 13 triệu người xem vào năm 2022, tăng 198% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, MSMEs là xương sống của hầu hết các nền kinh tế trên toàn thế giới. Các sàn thương mại điện tử hiện vẫn đang nỗ lực kết nối để giúp họ kết nối và giao dịch toàn cầu là rất quan trọng. Số hóa thương mại là một công cụ thay đổi cuộc chơi và có thể giúp các MSMEs tiếp cận các thị trường mới và phát triển DN của họ.

Thông qua các sàn thương mại điện tử, DN nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh có thể đưa sản phẩm của mình ra thế giới và phát triển công ty của mình ra quốc tế.

Trong tương lai, tầm quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng được nâng cao. Vì thế, việc sở hữu kiến ​​thức và kỹ năng thương mại điện tử là rất quan trọng cho sự thành công của tổ chức.

Theo thống kê, tại Việt Nam, số lượng DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm hơn 98% tổng số DN và đóng góp khoảng 50% GDP. Có thể thấy, rõ ràng thành công của khối DN này là một phần không thể thiếu trong thành công chung của toàn nền kinh tế.

Vì thế, những chính sách hỗ trợ khối DN này tăng hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bản thân DN cũng phải chuẩn bị các kỹ năng chuyển đổi số cần thiết để tận dùng cơ hội và gia tăng hiệu quả, vươn tầm quốc tế bằng các công cụ số hóa thời kinh tế 4.0.