Khi khán giả quay lưng với V.League

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - V.League đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Những sự cố liên tiếp đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự hấp dẫn của các sân chơi.

Nó không chỉ mang đến áp lực cho các nhà tổ chức, mà bản thân các đội bóng đang phải trả giá đắt.

Vắng khán giả

Một trong những điểm đáng nói nhất kể từ đầu mùa giải là việc, các sân vận động thưa vắng khán giả. Trung bình chỉ có 5.000 - 6.000 khán giả đến sân trong một trận đấu. Con số này thấp hơn nhiều những mùa giải trước vốn có trung bình trên 10.000 khán giả đến sân.

Việc khán giả không chịu đến sân được lý giải bởi nhiều lý do. Đầu tiên là việc, V.League khai mạc trước Tết cổ truyền và bắt đầu trở lại khi không khí Xuân vẫn ngập tràn khiến người hâm mộ bị phân tán. Họ có quá nhiều thứ phải lo, phải quan tâm hơn là đến sân theo dõi đấu trường quốc nội. Tiếp đến phải kể đến việc, V.League mùa này thiếu sự cạnh tranh của những thương hiệu mạnh. Bình Dương không quan tâm đến thị trường chuyển nhượng trong khi HAGL lại khởi đầu không tốt.

Còn một lý do khác khiến V.League có những khán đài nguội lạnh là ngay đầu giải đã có quá nhiều sự cố. Hầu như vòng đấu nào cũng có sự cố sân cỏ. Lúc thì bạo lực sân cỏ, khi thì khán giả quây trọng tài và đỉnh điểm là màn từ chối thi đấu của đội Long An. Những sự cố liên tiếp khiến bức tranh bóng đá trở nên ảm đạm chưa từng thấy. Báo chí ra sức chỉ trích đội bóng và Ban tổ chức giải, người hâm mộ thì quay lưng khiến V.League trở thành món hàng không được ai đoái hoài.

Những khán đài trống vắng khiến sân khấu bóng đá từ Bắc chí Nam không còn được hồ hởi như mùa giải trước. Ngay cả những thánh địa nổi tiếng nhất như Cẩm Phả, Lạch Tray, Thanh Hóa, Vinh, Pleiku cũng trở nên vắng lặng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến bầu không khí của V.League. Nó khiến những trận đấu mất đi sự hấp dẫn bởi khi các nghệ sĩ sân cỏ không có được sự ủng hộ từ các khán giả thì sân khấu không thể bùng nổ.

Thất thu nặng

V.League vẫn nằm trong cuộc khủng hoảng về tài chính. Các đội bóng buộc phải thắt chặt chi tiêu nếu muốn tồn tại trong bối cảnh các ông bầu, hoặc DN chống lưng cắt giảm chi phí tài trợ. Bên cạnh đó, các đội bóng đứng trước áp lực phải tăng nguồn thu để bù vào khoản kinh phí đang bị thiếu hụt. Thế nhưng, trong bối cảnh V.League ảm đạm chưa từng thấy thì chính các đội bóng đang chịu tổn thất nặng nề.

Mùa giải trước, nhiều đội bóng thu được khoản tiền đáng kể từ bán vé. Riêng HAGL đã thu được gần 10 tỷ đồng từ nguồn này. Số tiền này gần bằng chi phí hoạt động của đội bóng trong mùa giải. Trong khi đó, tại Hải Phòng, mỗi trận đấu cũng thu được 300 - 500 triệu đồng từ bán vé. Sân Cẩm Phả cũng mang đến cho Than Quảng Ninh khoản tiền 4 tỷ đồng từ bán vé. Với nhiều đội bóng, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, khoản thu từ bán vé vô cùng ý nghĩa. Nó giúp họ giải quyết được quỹ thưởng hoặc các khoản chi đột xuất hàng ngày.

Sự phản ứng tiêu cực từ dư luận không chỉ khiến nguồn thu từ bán vé sụt giảm mà còn khiến họ lao đao trong việc khai thác những giá trị thặng dư từ bóng đá. Đó là khoản tiền thu từ bán quần áo, đồ lưu niệm và đặc biệt là tìm kiếm thêm những nhà tài trợ phụ. Các DN không thể bỏ tiền vào một thương hiệu vốn có quá nhiều sự cố. Và khi ấy, chính người trong cuộc mới chịu tổn thất bởi một V.League xấu xí. Trớ trêu thay, sự méo mó của V.League lại xuất phát từ việc, các đội bóng vượt qua giới hạn chuyên nghiệp để phản ứng một cách tiêu cực. Vậy mới nói, không ai khác, chính các đội bóng đang phải chịu trách nhiệm về bi kịch mình đang phải đối diện.