Khi lãnh đạo “ngại” tiếp dân

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nguyên nhân khiến khiếu nại, tố cáo gia tăng là do tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, lãnh đạo “ngại” tiếp công dân, đối thoại với dân, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp. Đó là nhận định tiếp tục được các đại biểu Quốc hội đưa ra nghị trường khi bàn về vấn đề này.

 Ảnh minh họa
Dù đã được “cảnh báo” nhiều lần, nhưng những con số thống kê qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn cho thấy kết quả không mấy vui khi với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, số buổi tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48,3% so với quy định. Đặc biệt, với Chủ tịch cấp xã, so với quy định chỉ đạt 24%, có nơi chỉ đạt dưới 5%.
Từ thực tế cho thấy, khi nhiều chính sách có phần “đụng chạm”, tác động đến lợi ích và sinh kế của người dân, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ…, chắc chắn khiếu kiện vẫn sẽ còn phức tạp. Trong khi đó, cũng bởi lãnh đạo ngại đối thoại, người dân thường thiếu thông tin nên đôi khi có nhận thức sai lệch. Rồi cũng bởi nhiều nơi không coi trọng việc tiếp công dân, người dân phải ôm đơn thư đi lòng vòng, hết lên trên lại về cấp dưới, khiến khiếu kiện khó chấm dứt.

Viện lý do “không thể” đối thoại, tiếp dân theo quy định vì bận, vì ngại va chạm, vì trình độ hạn chế…, đã làm cho nhiều vị lãnh đạo mất cơ hội để hiểu dân, giải quyết ngọn ngành các khúc mắc.

Nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết kiến nghị của dân là việc phải làm của người lãnh đạo để giải quyết những bức xúc, khiếu kiện và phải được coi như nguyên tắc của giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC). Việc đối thoại phải được thực hiện nghiêm túc, cầu thị chứ không theo kiểu chiếu lệ, làm cho xong chuyện.

Thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm lưu ý đến việc giải quyết quyền lợi cho dân, làm tốt việc đối thoại, tiếp dân thì nơi đó tình hình KN, TC sẽ giảm. Bởi chỉ khi lãnh đạo cơ quan hành chính sẵn sàng đối thoại, lắng nghe và tìm hiểu cặn kẽ, mọi việc dù phức tạp mấy cũng dễ dàng nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của người dân.

Hiện nay, các địa phương cũng đang tăng cường nhiều hình thức đối thoại với người dân, từ định kỳ đến đột xuất, theo vụ việc. Nơi nào tổ chức được nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với người dân, ở đó những bức xúc được giải quyết kịp thời. Như tại Hà Nội, Thành ủy đã ban hành quyết định về quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP. Hiện việc tiếp xúc, đối thoại định kỳ đã trở thành nếp, không còn hình thức, không làm chung chung chiếu lệ. Chính lãnh đạo cấp TP cũng đã gương mẫu, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với đại diện các tầng lớp Nhân dân về những vấn đề nóng và yêu cầu các đơn vị liên quan trả lời cụ thể, ấn định thời gian giải quyết dứt điểm.

Khi việc đối thoại, tiếp công dân không bị coi nhẹ sẽ giúp xử lý được nhiều vụ việc nảy sinh, phức tạp ngay tại địa phương. Qua đó, hạn chế tình trạng khiếu kiện, KN vượt cấp, đồng thời xây dựng một chính quyền gần dân, nghe dân, hiểu dân. Và khi đó niềm tin trong dân với chính quyền được nâng cao, tạo đồng thuận trong xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần