Khi tín dụng nặng vai

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng là câu chuyện được nói nhiều trong thời gian gần đây.

Dù đứng trước khá nhiều áp lực, nhất là áp lực về vốn ngân hàng để DN duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bình thường mới, tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn là nới có chọn lọc, dựa trên xếp hạng tín nhiệm, chất lượng hoạt động… của từng ngân hàng và không hạ chuẩn cho vay.

Ngoài ra, xu hướng lãi suất, giá cả tăng lên, nguy cơ lạm phát do chi phí cao cũng khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% thêm khó khăn. Điều này bắt buộc NHNN phải kiểm soát dòng vốn tín dụng rất thận trọng. Vì thế, câu chuyện phát triển thị trường vốn bằng cả 3 chân (tín dụng, chứng khoán và trái phiếu DN) một cách hiệu quả, tránh dồn hết vai lên tín dụng ngân hàng là câu chuyện cần tính đến trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế, càng về cuối năm, nhu cầu về đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh sẽ càng tăng mạnh, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận vốn của các DN do room tín dụng không còn quá nhiều. Các năm trước, trong quý I, tín dụng chỉ tăng khoảng 3 - 4% nhưng riêng quý I và quý II của năm 2022, cả thị trường đã tăng lên hai con số.

Bình quân trong các tháng đầu năm, NHNN đã phân bổ khoảng 10% trong định hướng cả ngành ngân hàng về tăng trưởng tín dụng là 14% với năm nay, còn khoảng 4% nữa theo kế hoạch. Vì vậy, việc phân bổ room tiếp dù thận trọng nhưng chắc chắn NHNN sẽ phải thực hiện. Theo một số nguồn tin, phương án phân bổ này đã được cơ quan điều hành tiền tệ chốt và sẽ sớm công bố.

Có thể thấy, trong “3 chân kiềng” huy động vốn là thị trường chứng khoán, trái phiếu DN và tín dụng ngân hàng thì kênh tín dụng ngân hàng đang nặng vai nhất.

Hiện, việc tiếp cận vốn trung, dài hạn thông qua kênh thị trường chứng khoán, từ cổ phiếu phát hành thêm cho đến trái phiếu có vẻ đang chùng lại sau thời gian tăng nóng.

Ảnh hưởng của tình hình kinh tế chính trị thế giới, diễn biến đi xuống của thị trường chứng khoán và một số động thái mạnh tay với sai phạm của các cơ quan chức năng với lũng đoạn chứng khoán, phát hành trái phiếu sai quy định là nguyên nhân khiến các kênh gọi vốn quan trọng này đang hạn chế về hiệu quả.

Trong bối cảnh cạn room tín dụng, nhiều ngân hàng đã phải xoay xở bằng cách phải giảm bớt lượng trái phiếu DN nắm giữ để có thêm dư địa cho vay. Đơn cử, có ngân hàng đã tái phân bổ tín dụng bằng cách giảm phần trái phiếu DN lớn để chuyển sang cho vay mua nhà cá nhân.

Bản thân các DN cũng phải tìm những cách để không phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng từ bên ngoài bằng cách tập trung vào những hoạt động sản xuất cốt lõi, hạn chế đầu tư dàn trải, tăng cường quản trị tài chính.

Về lâu dài, phát triển thị trường vốn minh bạch, hiệu quả bằng cách sửa đổi các quy định để thị trường chứng khoán, trái phiếu DN vận hành hiệu quả, an toàn hơn là việc cần làm ngay. Kiềng ba chân “tín dụng, chứng khoán, trái phiếu” có vững thì DN mới có những nguồn vốn hiệu quả để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, kinh tế vĩ mô mới có những bước đi lên bền vững.