Khi trật tự trên thị trường vận tải... xô lệch

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường vận tải khách liên tỉnh tại Hà Nội nói riêng và trên cả nước đang bị xô lệch do thiếu bàn tay quản lý hiệu quả.

Nhà xe hoạt động tại bến Giáp Bát, Hà Nội. Ảnh Công Hùng 
Nhà xe hoạt động tại bến Giáp Bát, Hà Nội. Ảnh Công Hùng 

Tất cả các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội đều đang lâm cảnh “chợ chiều” đìu hiu. Hàng loạt DN kinh doanh vận tải khách tuyến cố định bấp bênh bên bờ vực phá sản, cả trăm xe bỏ ra chạy dù. Đó là hệ lụy tất yếu khi trật tự trên thị trường vận tải khách liên tỉnh bị xô lệch bởi những lỗ hổng quá lớn trong luật, bởi sự mông lung trong điều hành quản lý của Bộ GTVT.

Vùng vẫy tìm đường sống

Theo thống kê của các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua, lượng khách đến bến đi xe sụt giảm rất mạnh từ 30 - 50%. Thiếu khách, các tuyến xe khách liên tỉnh (XKLT) ngay lập tức suy yếu, nhiều tuyến DN bỏ hẳn 100% lượt chuyến. Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn chia sẻ: “Lượng xe bỏ hẳn bến, không ký lại hợp đồng chiếm khoảng 20%. Một số tuyến xương sống của bến thiệt hại nặng như Quảng Ninh - Hà Nội mất từ 60 - 70% lượng xe. Các tuyến đi: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… giảm từ 20 - 30% lượng xe”.

Lãnh đạo một DN vận tải (xin giấu tên) cho biết: “Bến vắng khách, nhiều tuyến gần như “chết” hẳn. Bên ngoài xe dù, xe trá hình, xe tiện chuyến… bạt ngàn, không chịu nổi khó khăn DN mới phải bỏ bến. Chúng tôi đang bên bờ vực phá sản, buộc phải vùng vẫy tìm đường sống”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng chia sẻ, các loại xe vận chuyển khách liên tỉnh thực sự quá nhiều, cạnh tranh khốc liệt. Với hành khách, cứ đảm bảo đón xe thuận tiện, giá cả phù hợp và chất lượng dịch vụ tốt là lựa chọn. Mà nhiều tuyến XKLT tại các bến xe lớn chưa đáp ứng được những tiêu chí này.

Trong khi XKLT ở bến đợi khách thì xe trá hình, xe tiện chuyến đưa đón tận cửa; giá vé không đắt hơn bao nhiêu, thậm chí còn ngang bằng. Chất lượng xe và dịch vụ thì chỉ một số ít XKLT trong bến có thể là đối trọng với xe "đội lốt" hợp đồng chở khách liên tỉnh. “Một vấn đề cực kỳ quan trọng là XKLT vào bến phải đóng rất nhiều loại thuế phí, trong khi xe trá hình, xe tiện chuyến lại tiết kiệm được phần lớn những khoản này. Ai thua thiệt hơn, gánh chịu áp lực lớn hơn nhìn qua là biết” - ông Đỗ Văn Bằng nói.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, theo quy định tại khoản 3, Điều 55, Thông tư 63/2014/TT - BGTVT do Bộ GTVT ban hành, xe chạy tuyến cố định được cấp cùng một lúc hai loại phù hiệu “Xe chạy tuyến cố định” và “Xe hợp đồng”. Dựa vào đó, một số đơn vị vận tải vừa đăng ký chạy tuyến cố định trong bến xe, vừa thành lập văn phòng đại diện ở ngoài để gom khách. Khi bị kiểm tra, xử lý, tùy vào tình huống, DN sẽ xuất trình loại phù hiệu, giấy tờ kèm theo để che mắt, chống chế lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm. Đây là kẽ hỡ khiến xe khách bỏ bến ra ngoài mà vẫn có thể tồn tại.

Mặt khác, công tác tổ chức giao thông, điều hành, giá cả dịch vụ tại một số bến xe còn chưa khoa học, thuận lợi cho xe ra vào. Bến xe chưa có cơ chế hấp dẫn để thu hút hành khách, DN vận tải, có nơi thuế phí khá cao. Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu cho rằng, nhiều bến xe gần như mất kết nối với các khu vực đông dân cư, trường học, bệnh viện, do thiếu phương tiện trung chuyển, xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Một nguyên nhân quan trọng khác là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của xe khách chạy dù, sai lộ trình chưa triệt để. Từ việc quản lý các văn phòng thu gom khách, nhận hàng hóa, cho đến xử phạt nghiêm xe rùa bò, xe trá hình đều theo kiểu “đánh trống cầm canh”, có chỉ đạo thì làm, không thì bỏ buông, khiến hoạt động vận tải khách bên ngoài các bến xe ngày càng phức tạp, phổ biến” - Thạc sĩ Lê Trung Hiếu nói.

Nhà xe hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh Công Hùng 
Nhà xe hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh Công Hùng 

Sai phải sửa

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường vận tải khách liên tỉnh tại Hà Nội nói riêng và trên cả nước đang bị xô lệch do thiếu bàn tay quản lý hiệu quả. Bộ GTVT với vai trò là cơ quan quản lý đầu ngành, nhiều năm qua không chỉ mông lung trong điều hành mà còn đưa ra nhiều quy định tạo kẽ hở, làm phức tạp thêm tình hình. Muốn vãn hồi trật tự trên thị trường vận tải khách liên tỉnh, trước tiên Bộ GTVT cần phải nhìn thẳng vào những tồn tại.

Thạc sĩ Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Bộ GTVT cần thấy rõ thị trường vận tải hiện nay đã đa dạng hơn rất nhiều. Bó buộc DN trong các quy định về hướng tuyến, trong khi công tác giám sát đối với xe hợp đồng, xe dù yếu kém, thiếu hiệu quả là nguyên nhân chính khiến kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định suy sụp”. Bộ GTVT cần trao quyền cho các địa phương trong việc quy hoạch, sắp xếp luồng tuyến.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết đã kiến nghị Bộ GTVT, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để phân biệt rạch ròi giữa các loại hình vận tải; sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ - CP theo hướng quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách.

Theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT - BGTVT của Bộ GTVT, việc đình chỉ khai thác một tháng đối với đơn vị vận tải tái vi phạm thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe trên tuyến vẫn chưa đủ tính răn đe. Cần có chế tài mạnh hơn như đình chỉ khai thác tuyến vĩnh viễn để ngăn chặn việc hoạt động cầm chừng theo kiểu “giữ chỗ”, “nốt ảo” rồi mang xe ra chạy dù bên ngoài.

Mặt khác, Bộ GTVT cần xây dựng phần mềm quản lý thông tin báo cáo hợp đồng vận chuyển hành khách trước chuyến đi đối với xe hợp đồng, thống nhất áp dụng trên cả nước để các cơ quan, đơn vị liên quan có thể kiểm tra trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Quy định loại xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải báo cáo danh sách hành khách trước chuyến đi cũng cần phải được sửa đổi, vì đây chính là kẽ hở khiến xe limousine, xe trá hình nở rộng nhiều năm qua.

Trước mắt, với Hà Nội, cần bổ sung những tuyến xe buýt kết nối với các bến xe để người dân thuận tiện đi lại. Rà soát, lắp đặt camera giám sát giao thông tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực bến xe để tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nguội xe khách vi phạm. Sở GTVT Hà Nội cũng đã có kiến nghị với UBND TP, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự, ATGT, đặc biệt vi phạm của các nhà xe lợi dụng khu đất trống, cây xăng, quán nước, công viên, trường học, bệnh viện để dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định.

Kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu, bổ sung vào danh mục thực hiện kê khai giá cước vận tải đối với các xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng, du lịch trên địa bàn TP. Thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động đón, trả khách do lãnh đạo Ban ATGT TP làm Tổ trưởng.

 

Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần phối hợp rà soát hoạt động thực tế của xe hợp đồng, nghiên cứu việc yêu cầu DN kinh doanh loại hình này kê khai chi phí để tránh thất thu thuế, đồng thời tạo sự công bằng trong cạnh tranh với XKLT.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương