Khó hút thí sinh giỏi vào sư phạm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi sinh viên tốt nghiệp các ngành sư phạm ra trường có việc làm với mức thu nhập khá, thì học sinh (HS) giỏi sẽ tự động đăng ký xét tuyển, mà không cần Bộ GD&ĐT phải quy định.

Tác dụng ngược
Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2018 của Bộ GD&ĐT quy định cụ thể ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Theo đó, đối với trình độ đại học (ĐH) xét tuyển HS tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên.
 Sinh viên Đại học Sư phạm trong giờ thực hành. Ảnh: Công Hùng 
Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển HS tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên. Yêu cầu này của Bộ GD&ĐT khiến nhiều người cho rằng khó khả thi, nhất là khi mấy năm nay, điểm đầu vào các ngành sư phạm chỉ ngang sàn của Bộ mà nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội Vũ Tuấn nhận định, quy định HS giỏi mới đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào sư phạm là “hình thức đối phó”. Trước đây, có một giai đoạn Bộ GD&ĐT chủ trương HS giỏi được miễn thi ĐH, nhưng vài năm sau phải hủy bỏ khi số lượng tăng lên quá nhiều, nhất là vùng sâu, vùng xa có nơi lên tới 70 – 80%.

Ông Tuấn cũng cho rằng, khi Bộ đưa ra yêu cầu khắt khe, không cẩn thận lại dẫn đến tác dụng ngược, vì nhiều HS sẽ không đăng ký tuyển sinh. Theo Hiệu trưởng trường Wellspring Đặng Đình Đại, hiện nay đội ngũ giáo viên quá nhiều, có nơi thừa. Trong khi đó, các trường sư phạm đào tạo liên tục, hàng năm có số lượng lớn giáo sinh tốt nghiệp, nếu đợi các thầy cô nghỉ hưu để thế chân thì sẽ khó có cơ hội việc làm. Vì thế, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ngành Toán, Lý, Hóa… phải đi làm trái nghề. Những em không tìm được việc khác đành chấp nhận làm giáo viên hợp đồng cho trường ngoài công lập với mức thù lao bèo bọt chỉ 35.000 – 40.000 đồng/tiết.

Đầu vào muốn tốt, phải giải quyết “đầu ra”

Đồng tình với việc ngành sư phạm cần nhân lực chất lượng cao để giảng dạy, đào tạo ra những HS, sinh viên có tố chất và làm chủ cuộc sống. Song TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, muốn có chất lượng cao thì đầu vào chỉ là một điều kiện. Ngành sư phạm không nhất thiết phải yêu cầu khoa học quá giỏi, mà cần có những năng lực khác. Trước hết, sinh viên sư phạm phải say mê nghề, thứ nữa là năng lực sư phạm (khả năng ngôn ngữ, nắm bắt tâm lý, diễn đạt, giao tiếp...) và nhiều tiêu chí khác để trở thành giáo viên. “Cách đặt vấn đề của Bộ GD&ĐT vẫn mang nặng hình thức, theo kiểu tư duy cũ. Vấn đề căn bản là việc làm và chế độ cho giáo viên chưa giải quyết được sẽ khó thu hút được HS giỏi” – TS Lâm nhận định. Cũng như ông Lâm, nhiều chuyên gia cho rằng, khi đầu ra của ngành sư phạm đang gặp khó, thì không thể nâng cao đầu vào. Bây giờ phải giải quyết được việc làm cho số giáo sinh thất nghiệp và cải thiện chế độ chính sách đối với giáo viên, tự khắc các em sẽ đăng ký vào sư phạm giống như ngành y, công an, quân đội.

Nhiều năm làm công tác quản lý ở trường sư phạm, ông Vũ Tuấn lại nghiêng về quan điểm Bộ GD&ĐT bỏ tiêu chí đầu vào HS giỏi lớp 12. Các trường sư phạm được tự tổ chức thi để tuyển chọn đầu vào theo mong muốn từng ngành. Ông Tuấn cho rằng, với việc Bộ GD&ĐT cho phép HS được lựa chọn 1 trong 2 bài thi (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội) để thi THPT quốc gia sẽ dẫn đến HS học lệch, vì thế, nên áp dụng thi cả 2 bài. Nhiều chuyên gia khác đề nghị có học bổng cho sinh viên sư phạm, để những em có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập, khi ra trường được bố trí việc làm thì lúc đó, điểm đầu vào sư phạm sẽ dần khởi sắc.