Tuy nhiên, sau nửa năm, nhiều chính sách chưa đến được với DN do tắc nghẽn ở cơ quan thi hành; cùng với đó là những vướng mắc về thủ tục hành chính đang trở thành rào cản đối với DN.
Rối như… thủ tục cấp phép
Theo Phó Tổng Giám đốc Videc Group Nguyễn Quốc Dũng, hiện nay, thủ tục cấp phép dự án tuy nói là một cửa liên thông nhưng vẫn còn rất nhiều "ngách" khiến công tác phối hợp, xử lý giữa DN và cơ quan Nhà nước gặp nhiều khó khăn. “Luật đã ban hành đầy đủ, chi tiết nhưng trong quá trình thực hiện, tại một số bộ, ngành hay tại các sở của một số tỉnh, TP có sự chồng chéo với nhau. Cụ thể, Sở TN&MT và Sở Xây dựng có nhiều thủ tục bị xung nhau trong quá trình DN xin cấp phép dự án” – ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Chính sách chồng chéo, thiếu nhất quán gây khó khăn cho DN trong quá trình triển khai. Ảnh: Doãn Thành |
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp chia sẻ, các thủ tục hành chính cần phải đưa vào cơ chế một cửa theo đúng bản chất của nó, không phải như hiện nay cơ chế một cửa nhưng trong đó có rất nhiều quy trình.
“Một dự án khi đi vào triển khai đều phải trải qua các quy trình hết sức rườm rà, phải có sự xác nhận từ vài chục con dấu của cơ quan chức năng. Hồ sơ nộp vào một cửa nhưng lại liên thông với 4 cửa lớn khác, là: Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch & Đầu tư, TN&MT và Xây dựng, thiếu một đầu mối quản lý thống nhất” - ông Nguyễn Thế Điệp phân tích.
Theo đánh giá, xây dựng – BĐS là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng từ điều chỉnh của luật với khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết, thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn... đã dẫn đến sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong quy trình thực hiện cấp phép cho một dự án BĐS. Điển hình là sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, theo quy định, những dự án lớn có vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên thuộc diện xin chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 nhưng dù thực hiện theo thủ tục Luật Đầu tư vẫn phải thêm vào những nội dung theo Điều 11 Luật Nhà ở hoặc việc phân quyền các cơ quan cấp phép cũng có sự chồng chéo.
Chẳng hạn, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP quy định các công trình từ 25 tầng và có chiều cao từ 75m trở lên mới phải trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công nhưng nếu công trình 20 tầng mà cao 76m vẫn phải qua Bộ Xây dựng thẩm định.
“Hiện nay, các DN phải thực hiện 6 bước trong quy trình cấp phép dự án, gồm: Quyết định chủ trương đầu tư; Quy hoạch chi tiết 1/500; Thủ tục giao thuê đất; Xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Cấp giấy phép xây dựng. Theo tôi nên giảm bớt quy trình này, nếu cứ thực hiện như vậy gây nhiều khó khăn cho DN. Chẳng hạn khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cũng phải mất cả năm trời mới xong thủ tục để triển khai, khiến cho DN bị chôn vốn” – ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Chính sách chưa đi vào thực tế
Chủ tịch Tập đoàn T&T, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP Hà Nội Đỗ Quang Hiển cho rằng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế để hỗ trợ cộng đồng DN. Nhưng tới thời điểm này, những hướng dẫn cụ thể về cách tiếp cận các chính sách, gói hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng DN vẫn chưa được xây dựng chi tiết. “Chính phủ và TP Hà Nội hiện có nhiều quỹ hỗ trợ nhưng thực tế là DN rất khó tiếp cận. Chúng tôi mong muốn Chính phủ và TP ưu tiên, sử dụng hiệu quả các nguồn quỹ này. Đồng thời hỗ trợ giảm, giãn thuế cho các DN vừa và nhỏ” – ông Đỗ Quang Hiển kiến nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, cơ chế, chính sách phải phù hợp, kịp thời. Đơn cử, gói tài chính 280.000 tỷ đồng đã được phê duyệt theo Chỉ thị 11/CT-TTg, thì các bộ, ngành cần phải bắt tay vào việc ngay, phân loại các đối tượng DN để xác định mức hỗ trợ, nhu cầu cần hỗ trợ, DN BĐS cần hỗ trợ thế nào hay DN khách sạn – du lịch cần hỗ trợ ra sao? Chính sách đã có, song con đường để đi vào thực tế vẫn còn nhiều gập ghềnh.
“Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa thấy có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc triển khai thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn tiền thuế, tiền thuê đất cho DN. Trong khi đó đây là thời điểm DN rất cần những chính sách này đi vào thực tế. Việc chậm trễ của các bộ, ngành khiến cho chính sách của Nhà nước bị mất đi tính thời điểm” – ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.
Cần kéo dài cơ chế hỗ trợ
Tại buổi đối thoại của lãnh đạo TP Hà Nội với DN trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, vì dịch Covid-19, các lĩnh vực du lịch, khách sạn, sân golf... của Tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề. “Đề nghị giảm mức thuế thu nhập cho DN trong năm 2020, không tính doanh thu khoản phí phục vụ, áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 0% hoặc giảm 50%, miễn thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong năm 2020” – bà Nguyễn Thị Nga cho nói. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn FLC mong ngành thuế có hướng dẫn cụ thể về việc tính thuế.
“Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn kéo dài, trong khi các hỗ trợ này chỉ trong thời gian ngắn nên mong sẽ được kéo dài hơn thời gian được gia hạn và các chính sách hỗ trợ mạnh hơn nữa cho cộng đồng DN” – đại diện Tập đoàn FLC nói.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) Nguyễn Mạnh Hà, với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng. Theo đó, thời gian gia hạn là 12 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN cho cả quý III, IV/2020 và quý I, II/2021 như đã quy định cho quý I, II/2020 trong Nghị định 41/2020/NĐ-CP). “Các DN vẫn cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các dư nợ gốc và lãi kéo dài thêm một khoảng thời gian là 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn trả nợ.
Đồng thời giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19” – ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay. (còn nữa)
"Vẫn còn nhiều khó khăn đang cản trở sự phát triển của DN như bất cập khi đưa văn bản quy phạm pháp luật vào thực tế; văn bản đan xen, chồng chéo thậm chí xung đột, làm theo luật này thì đúng, chiếu theo luật khác lại sai và những vấn đề nảy sinh từ thực tế nhưng chưa được pháp luật điều tiết." - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Đỗ Viết Chiến |