Khơi dậy giá trị văn hóa cồng chiêng vùng đất Ba Vì

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cồng chiêng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Mường huyện Ba Vì trong những dịp lễ hội, ngày Tết... Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, huyện Ba Vì xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng tại 7 xã miền núi.

Gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần

Ba Vì là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao sinh sống. Trong kho tàng văn hóa của huyện Ba Vì, đặc biệt với người dân tộc Mường và dân tộc Dao, cồng chiêng là loại nhạc cụ đặc trưng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số định cư tại 7 xã miền núi của huyện Ba Vì gồm Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa và Yên Bài.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình truyền đạt cách nghe và đánh chiêng Mường tại xã Ba Trại. Ảnh: Khuất Duyên
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình truyền đạt cách nghe và đánh chiêng Mường tại xã Ba Trại. Ảnh: Khuất Duyên

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp cho biết, theo tộc phả của đồng bào thiểu số huyện Ba Vì, trước đây mỗi gia đình của các dân tộc Mường Ba Vì đều có cồng chiêng. Nhà nào ít thì sở hữu một cái, nhiều thì một bộ cồng chiêng từ 12 - 14 chiếc, những gia đình giàu có, cồng chiêng coi như một thứ gia bảo.

“Trong dàn cồng chiêng thường có 5 - 7 chiếc hoặc 9 chiếc, nhưng đầy đủ một bộ từ 12 - 14 chiếc (số lượng 12 chiếc biểu tượng cho 12 tháng trong năm). Mỗi chiếc cồng có đường kính khác nhau, núm dày, mỏng để tạo nên âm thanh trầm bổng. Mỗi chiếc đều có vai trò nhất định trong bản nhạc chung. Những chiếc cồng âm cao gọi là chiêng chót, cồng âm trung gọi là chiêng boòng beng và cồng âm trầm gọi là chiêng đàm. Cồng khệ (hay còn gọi là cồng khù, cồng khầm) dùng đánh trùng âm (cồng đối)” – ông Bùi Huy Giáp chia sẻ.

Trải qua thời gian, do chiến tranh tàn phá, việc thay đổi phương thức sản xuất kéo theo những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân tộc thiểu số đã tác động tiêu cực đến việc lưu giữ các nhạc cụ. Nhiều gia đình không còn lưu giữ được bộ cồng chiêng quý. Các thiết chế văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: nhà sàn, trang phục, lễ hội và một số nét văn hóa đặc sắc của người Mường và người Dao xưa có sự biến đổi do tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Thêm vào đó, số nghệ nhân có am hiểu về nghệ thuật cồng chiêng tuổi cao, sức yếu, khả năng truyền thụ kiến thức nghệ thuật hạn chế khiến cho văn hóa cồng chiêng của huyện có nguy cơ mai một.

Gặp khó trong bảo tồn

Những năm qua, Nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì đã có nhiều cố gắng gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó có việc khơi dậy và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng trở thành nét đẹp không thể thiếu trong các dịp lễ hội, các sự kiện văn hóa lớn của huyện Ba Vì.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tại 7 xã miền núi, từ năm 2012 đến nay, UBND huyện Ba Vì đã xây dựng đề án và chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, UBND các xã miền núi tích cực đẩy mạnh thực hiện, ưu tiên nguồn vốn, đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, năm 2020, huyện Ba Vì đã mua 3 bộ cồng chiêng chuẩn tặng cho các câu lạc bộ cồng chiêng xã Khánh Thượng, Ba Trại và Tản Lĩnh; nâng tổng số thôn có bộ cồng chiêng trong toàn huyện lên 24/76 thôn có người Mường sinh sống tập trung. Bên cạnh đó, huyện cũng mở lớp dạy kiến thức cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã.

Dù huyện Ba Vì đã chú trọng đến quá trình khôi phục, gìn giữ và phát triển văn hóa cồng chiêng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt nhưng quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng làm cho không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi bị thu hẹp. Đặc biệt, sự giao lưu, giao thoa văn hóa diễn ra nhanh, mạnh khiến cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng có nguy cơ bị mai một. Bên cạnh đó, nhận thức về việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số miền núi của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi chưa sâu sắc, đầy đủ; chưa xác định được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh khẳng định, huyện Ba Vì sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tự quản giải quyết công việc của cộng đồng. Chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, người có uy tín, nghệ nhân, Trưởng thôn và Trưởng ban Công tác Mặt trận là người dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa cồng chiêng và những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện quy ước và xây dựng đời sống văn hóa mới ở cộng đồng dân cư.

"Huyện chú trọng gắn kết phát triển văn hóa với du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh nhằm xây dựng huyện Ba Vì mạnh về kinh tế - xã hội nhưng cũng cần giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tô điểm thêm những nét văn hóa phong phú, đa dạng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng” - ông Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.

 

Hiện nay, 100% các xã miền núi đã thành lập đội bảo tồn cồng chiêng, tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng tại các thôn; số đội bảo tồn cồng chiêng Mường và chuông, chiêng của dân tộc Dao là 56 đội. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đóng góp của Nhân dân, tính tới thời điểm hiện tại, số lượng cồng chiêng trên địa bàn 7 xã miền núi là 53 bộ/76 thôn, tăng 26 bộ so với năm 2011. Số bộ chuông, chiêng dân tộc Dao thuộc xã Ba Vì là 3 bộ. Các chương trình biểu diễn cồng chiêng của dân tộc Mường; chuông, chiêng của dân tộc Dao được tổ chức thường xuyên tại các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của TP và của huyện. UBND huyện đã phối hợp tổ chức thành công 3 hội thi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số miền núi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh