Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:

Khơi dậy sức mạnh và nguồn lực phát triển

Trần Hà thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Sự nêu gương của người đứng đầu trong quá trình thực hiện sẽ là tấm gương cho cấp dưới nhìn và noi theo, như thế việc học và làm theo Bác trong thực tế cuộc sống mới hiệu quả”- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)

Vận dụng và phát triển sáng tạo

Hiện các cấp, ngành đang đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Là một người nhiều năm nghiên cứu về di sản tư tưởng của Bác, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chuyên đề này trong thời gian qua?

- Đây là một chuyên đề lớn, một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Bởi muốn hiện thực được khát vọng phát triển đất nước cần có hệ giải pháp đồng bộ, sáng tạo, khoa học, trong đó một yếu tố quan trọng là nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi những tư tưởng của Bác đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; việc vận dụng và phát triển sáng tạo trong bối cảnh hiện nay sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển.

Từ thực tiễn tôi thấy, việc thực hiện chuyên đề đang được các cấp, ngành triển khai khá bài bản từ nghiên cứu, đến xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, nhiều nơi còn cụ thể hóa thành chuyên đề đặc thù.

Đồng thời, thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo”, hiện thực hóa bằng chương trình hành động, việc làm thiết thực, cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo thành phố khảo sát thực địa liên quan đến xử lý môi trường sông Tô Lịch. Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo thành phố khảo sát thực địa liên quan đến xử lý môi trường sông Tô Lịch. Ảnh: Thanh Hải

Nhiều cán bộ, đảng viên cũng thể hiện rõ được tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tự lên kế hoạch để thực hiện ý tưởng, khát vọng của mình để có kết quả tốt nhất trong công việc, đời sống. Đây là những cách làm rất thiết thực để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

Cùng với “khát vọng phồn vinh”, một vấn đề trọng điểm trong học và làm theo Bác là tinh thần “vì dân”, ông nhận định thế nào về những khía cạnh mới của vấn đề này?

- Theo tôi, điều này cũng là một vấn đề trọng tâm trong chuyên đề lần này, bởi muốn tự lực, tự cường, cần phát huy vai trò làm chủ, quyền làm chủ, tâm huyết, trí tuệ, sức mạnh của Nhân dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Nhân dân” là phạm trù cao quý nhất. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”.

Hiện Nghị quyết của Đảng đã đề cập đến phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Muốn hiểu dân thì phải gần dân, không quan liêu, ngồi bàn giấy dự thảo các chỉ thị, nghị quyết.

Cần phải xuống cơ sở, hòa mình với người dân, lắng nghe ý kiến của dân, chống xa dân. Gần dân rồi phải bàn bạc, thảo luận với dân, để có những quyết sách hợp lòng dân. Và cái đích cuối cùng, cũng là thước đo hiệu quả của mọi chủ trương quyết sách đó còn là những thành quả mà Nhân dân được thụ hưởng.

Theo tôi, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; quy định về trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy… đang được thực thi cũng góp phần xây dựng, thực thi tinh thần “vì dân”.

Như “tiếp dân”, ý nghĩa không đơn thuần chỉ nằm ở hai chữ ấy, mà còn chứa đựng nhiều nội dung như trao đổi, lắng nghe, bàn bạc với dân; những vấn đề dân nêu ra, phải tìm ra cách giải quyết. Theo tôi nghĩ, tinh thần “vì dân” nếu hòa quyện được vào từng chính sách, từng biện pháp, chủ trương cụ thể của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sẽ tạo ra chuyển biến về chất trong đời sống xã hội, giảm đi những tiêu cực.

Vai trò của nêu gương luôn cần thiết

Trong chuyên đề năm 2023, nhiều đơn vị đã đề ra việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển. Đây cũng là vấn đề rất thời sự hiện nay, quan điểm của ông trước vấn đề này ra sao?

- Trước hết, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng, hiện vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển. Những tư tưởng, quan điểm của Bác dù trực tiếp hay gián tiếp bàn về văn hóa đến nay vẫn là “kim chỉ nam” trong việc hoạch định kế hoạch, chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng chuẩn mực đạo đức.

Trong Di chúc, Bác vẫn đau đáu căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân” có thể thấy, đối với Người, lĩnh vực văn hóa và phát triển văn hóa luôn có tầm quan trọng ngang với kinh tế và phát triển kinh tế. Kinh tế có tác dụng nâng cao đời sống vật chất, còn văn hóa nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Đây là hai lĩnh vực liên kết biện chứng, gắn bó mật thiết trong đời sống xã hội.

Từ thực tiễn hiện nay, cùng với thành tựu, cũng xuất hiện nhiều băn khoăn, lo lắng về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử xuống cấp, những giá trị văn hóa truyền thống bị mai một… Điều đó càng này đòi hỏi phải có bước đột phá trong triển khai hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người. Trong đó, việc đưa nội dung này vào chuyên đề học và làm theo Bác, để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp là việc rất cần thiết.

Đồng thời cũng là một trong những giải pháp có tính then chốt để đưa các nghị quyết liên quan đến vấn đề này đã được ban hành đi vào cuộc sống. Qua đó, tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Như vậy, từ những kết quả thực tiễn, càng cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy việc học và làm theo Bác sâu sắc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, để mang lại lợi ích thiết thực trong đời sống, thưa ông?

- Đúng vậy, tôi thấy những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu về việc học tập và làm theo Bác xuất hiện ngày càng nhiều, sức mạnh tốt đẹp từ những gương ấy lan tỏa ngày càng rộng, nhân lên tinh thần chủ động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm trong công việc.

Tuy nhiên, khi đánh giá lại một năm triển khai Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vẫn cho thấy, một số nơi còn biểu hiện hình thức trong thực hiện, người đứng đầu thiếu sự sáng tạo trong đề ra các giải pháp triển khai. Thực tế cũng cho thấy, có nơi “gióng trống mở hội” nghe hoành tráng nhưng hiệu quả của việc học để áp dụng vào thực tiễn công việc vẫn hạn chế, vẫn còn lúng túng trong vận dụng.

Theo tôi, sự nêu gương, vai trò gương mẫu của người đứng đầu rất quan trọng để từ đó thúc đẩy cấp dưới. Như trong Kết luận 01 đã chỉ rõ phương châm “trên trước, dưới sau” “trong trước, ngoài sau”… để tư tưởng của Bác ngày càng thấm sâu, lan tỏa vào đời sống.

Ngay trong thực hiện chuyên đề toàn khóa XIII, điều quan trọng đặc biệt là người đứng đầu cũng phải là tấm gương tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển; có khả năng lan tỏa, truyền cảm hứng hành động cho mọi người, cho Nhân dân.

Xin cảm ơn ông!