Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Cần thêm bệ đỡ từ chính sách

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi, nguồn lực tài chính phù hợp. Bên cạnh đó có sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu.

Nhiều vướng mắc từ thực tiễn

Trong những năm vừa qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã và đang có xu hướng phát triển tích cực. Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa mới công bố, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ. Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp  toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy hệ sinh thái của các thành phố ở Việt Nam như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới về chỉ số này.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần chính sách hỗ trợ đặc thù. (Ảnh: Đặng Tuấn).
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần chính sách hỗ trợ đặc thù. (Ảnh: Đặng Tuấn).

Sau thời kỳ dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã tăng trưởng trở lại với 634 triệu USD năm 2022 và đạt gần 500 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đã và đang phát triển tương đối năng động và hiệu quả, với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái. Mạng lưới nghiên cứu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đã có hơn 400 thành viên, đã tiếp cận được hơn 1.000 nhà khoa học, chuyên gia, và các đối tượng quan tâm về khởi nghiệp từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, trong thực tế phát triển, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng nảy sinh nhiều bất cập, cần sự can thiệp, hỗ trợ từ Nhà nước. Giám đốc Công ty Nhựa Sinh học BUYO Đỗ Hồng Hạnh cho biết, BUYO đã tiến hành nghiên cứu và sáng chế ra một công nghệ tiên phong nhằm chuyển đổi rác hữu cơ thành một loại vật liệu mới thay thế nhựa, có nguồn gốc 100% hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay các chính sách về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đều đang tập trung vào khuyến khích và ưu đãi nhựa tái chế. Vì vậy, BUYO kiến nghị Chính phủ cũng dành chính sách khuyến khích và thúc đẩy cho các vật liệu này như đối với nhựa tái chế.

Cũng theo CEO BUYO, hiện nay các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông đang có những chính sách hết sức hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút các startup công nghệ tới lập trụ sở, phòng lab, thực hiện nghiên cứu và mở rộng sản xuất kinh doanh tại nước họ. Làn sóng cạnh tranh để thu hút các startup công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực vật liệu xanh, đang rất nóng. Vì vậy, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời để giữ chân và ươm mầm cho các startup Việt ngay tại sân nhà.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó có sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu.

Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp

Những thành tựu bước đầu về đổi mới sáng tạo đã góp phần khẳng định những định hướng chiến lược đúng đắn và các biện pháp cụ thể phù hợp của Đảng, Nhà nước để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để khắc phục những điểm hạn chế về cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Trước hết cần nghiên cứu hoàn thiện hàng lang pháp lý và đề xuất các nhóm chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Quy định tiêu chí, thủ tục, thẩm quyền công nhận các tổ chức hỗ trợ, các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp khu vực công lập và quy định chính sách hỗ trợ, đặc thù cho các tổ chức hỗ trợ, trung tâm, và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mặt khác, cần có sự hỗ trợ về mặt tài chính từ ngân sách cho hoạt động của các tổ chức hỗ trợ, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các trung tâm thuộc khu vực công ở giai đoạn ban đầu.

Ở góc độ doanh nghiệp, Founder và CEO của StarGlobal 3D Trần Duy Hào kiến nghị, cần có một cơ chế đặc thù hoặc chính sách thử nghiệm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp startup mới thành lập nhưng có các giải pháp đổi mới sáng tạo được tham gia vào công tác đấu thầu, vì hầu hết các hạng mục đầu tư và mua sắm đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách của các cơ quan nhà nước đều thông qua hoạt động đấu thầu. Thực tế, một số startup mới thành lập có các giải pháp rất hay nhưng vì chưa đủ hồ sơ năng lực nên rất khó khăn khi tham gia đấu thầu trên mạng lưới Mua Sắm Công của hệ thống đấu thầu quốc gia.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các startup được đẩy nhanh quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ, nhằm gia tăng hàm lượng và nội lực về sở hữu trí tuệ cho chính doanh nghiệp và cho cả quốc gia. Nếu thời gian xét duyệt quá lâu sẽ ảnh hưởng đến động lực đăng ký sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp và đánh mất lợi thế của quốc gia đối với việc gia tăng số lượng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ngay trên "sân nhà”.

Để giúp các startup Việt Nam, Giám đốc Công ty Nhựa Sinh học BUYO kiến nghị cần thêm các hỗ trợ, đòn bẩy về tài chính cho doanh nghiêp như quy đổi thành miễn giảm thuế dựa trên số sản phẩm xanh được bán ra trên thị trường, tiếp cận các chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị vượt trội. Vì vậy, hệ thống hỗ trợ cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách và các chủ thể hỗ trợ mạnh, cụ thể là các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết, tối ưu hóa các nguồn lực tại địa phương, Trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài.