Khơi nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việc giải quyết các “nút thắt về thể chế”, khơi thông nguồn lực sẵn có sẽ thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xứng tầm là những DN “dẫn dắt, mở đường” của nền kinh tế.

Phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, cả nước có gần 680 DNNN; trong đó, có 478 đơn vị do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số DN cả nước; 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4% nhưng nắm một lượng tài sản rất lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng.

DNNN vốn được ví như những “quả đấm thép” của nền kinh tế nắm giữ một nguồn lực rất lớn. Ảnh minh hoạ

DNNN vốn được ví như những “quả đấm thép” của nền kinh tế nắm giữ một nguồn lực rất lớn. Ảnh minh hoạ

Trong đó, vốn Nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng; riêng 478 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ DN cả nước.

8 tháng năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN đạt gần 781.973 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 31.236 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt gần 50.994 tỷ đồng. Một số DN có tổng doanh thu lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Bộ KH&ĐT cho rằng, về cơ bản, các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên. Tuy nhiên, dư địa phát triển của DNNN là rất lớn nhưng đóng góp chưa thực sự tương xứng. Nhiều DN gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của DN trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án…

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng kiến nghị, cần đầu tư mạnh hơn nữa cho hạ tầng số. So với các nước trong khu vực, hạ tầng kết nối, hạ tầng lưu trữ data center trữ lượng lớn của Việt Nam vẫn đang chậm hơn.

Bên cạnh đó, Viettel đề xuất sử dụng công nghệ 5G trong xây dựng cửa khẩu thông minh, xây dựng kho chứa hàng hóa, cũng như phân phối hàng hóa hai chiều giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết, mảng đầu tư cho năng lượng rất vướng, không có quy trình thủ tục đầu tư riêng cho năng lượng. Theo đó, đầu tư năng lượng điện, nước đều theo quy trình của Luật Đầu tư, Luật 69. Vì vậy, cần thiết ban hành chế cơ chế đặc thù sớm cho lĩnh vực này, nếu không rất khó làm.

Đại diện một số DNNN cho rằng, để DN tăng trưởng, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thì vấn đề đầu tư phát triển có ý nghĩa sống còn; DN có đầu tư thì mới có phát triển. Do đó, DNNN cần được phân cấp, trao quyền chủ động cao hơn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; từ đó mới có thể linh hoạt, chớp thời cơ, phản ứng nhanh với thị trường.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, DNNN có sứ mệnh hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước. DNNN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi. Đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để mở đường trong các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, thu hút nguồn vốn và cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đi lên từ nội lực. Các DN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước xây dựng thương hiệu của mình, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.

Thủ tướng cũng nhìn nhận, thể chế và cơ chế chính sách còn vướng mắc, cần được tháo gỡ. Thủ tướng yêu cầu các ngành, các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư... nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu tư phát triển DNNN. Các cấp chính quyền thực hiện cơ chế định kỳ 3 tháng sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để các DNNN kịp thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng, với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, hết sức trách nhiệm, hết sức dân chủ.

Đánh giá về DNNN, theo TS Nguyễn Đình Cung, cải cách khu vực DNNN sẽ là động lực chính “xốc” tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, khu vực DNNN sẽ là động lực bù đắp được những thiếu hụt ở chỗ khác. Phải đổi mới cơ chế, chính sách là để DNNN vận hành linh hoạt.

Ví dụ như trong lĩnh vực xăng dầu, DNNN vẫn phải gánh lỗ để ổn định thị trường, chứ không thể đóng cửa nếu lỗ như DN tư nhân. Hay ở lĩnh vực điện, DN điện từng đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu không có giải pháp căn cơ bởi khi giá đầu vào tăng cao vẫn phải neo giá bán ra để ổn định đời sống… Hiện nay, một số DNNN đang thực hiện chính sách xã hội thông qua việc bán dưới giá thành. Như vậy là Nhà nước đang hỗ trợ trực tiếp qua DN, không đảm bảo việc Nhà nước đặt hàng dịch vụ công, khiến việc đánh giá hiệu quả hoạt động của DN không rõ ràng, trong khi phạm vi hỗ trợ lại trở nên quá rộng so với nguồn lực.

TS Võ Trí Thành cho rằng, Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo các bộ ngành nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ DN nói chung và DNNN nói riêng. Đơn cử như các chính sách về giảm khấu hao, tái cấp vốn hỗ trợ cho Vietnam Airlines, hay bổ sung hàng chục ngàn tỷ đồng để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, mặc dù điều kiện kinh tế, ngân sách khó khăn. Các DN cần thường xuyên tái cơ cấu mô hình tổ chức, quản trị DN. Đặc biệt, cần chú trọng bộ máy nhân sự giỏi, có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển DN trong giai đoạn mới, bối cảnh mới CM4.0, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

 

Cần quản DNNN theo mục tiêu, như doanh thu, lợi nhuận… Đừng quản DN theo quy trình, bởi nếu vậy thì DN chỉ chăm chăm làm đúng quy trình, mà làm đúng quy trình thì không có sản phẩm nổi bật. (TS Nguyễn Đình Cung)