Không ai chịu nhường bước

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Reuters dẫn nguồn tin từ vùng Vịnh cho biết, cuộc chiến dầu mỏ giữa Thái tử Ả Rập Saudi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đang diễn ra vô cùng căng thẳng, khi không ai tỏ ra sẵn sàng nhường bước.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Cung điện Al Salman, tháng 7/2022. Ảnh: Reuters
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Cung điện Al Salman, tháng 7/2022. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, với tư cách là lãnh đạo nhóm dầu mỏ OPEC+, Ả Rập Saudi đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ Washington sau khi các nhà xuất khẩu dầu mỏ quyết định cắt giảm sản lượng, bất kể việc chính quyền Biden được cho đã "năn nỉ" OPEC hoãn lại trong một tháng cho đến sau bầu cử giữa kỳ của Mỹ.

Giá dầu bật tăng sau động thái quyết đoán của OPEC+, trong khi Tổng thống Biden hôm 11/10 tuyên bố "sẽ có hậu quả" đối với mối quan hệ giữa Washington và Riyadh. Một số nhà lập pháp Mỹ thậm chí kêu gọi Nhà Trắng đóng băng mọi quan hệ với Ả Rập Saudi, bao gồm cả việc bán vũ khí.

Một số quan chức Ả Rập Saudi đã khẳng định với báo giới rằng quyết định của OPEC+ không liên quan gì đến chính trị, mà thay vào đó là một quyết định kỹ thuật nhằm bảo vệ sự ổn định của thị trường dầu.

"Vương quốc từ chối mọi mệnh lệnh" - Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi đăng tải một tuyên bố trên trang Twitter hôm 13/10, nhấn mạnh rằng Riyadh đang nỗ lực để "bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khỏi sự biến đổi của thị trường dầu mỏ".

Theo các cuộc phỏng vấn của Reuters với các nhà phân tích và chuyên gia tại Vùng Vịnh, bất chấp các cuộc trao đổi trước đó, cả Mỹ và Ả Rập Saudi đều phải đối mặt với các hạn chế trong cách gây áp lực với nhau trên thực tế.

Washington được tin sẽ không muốn làm bất cứ điều gì gây rủi ro cho an ninh trong lĩnh vực dầu mỏ, bởi bất kỳ thiệt hại nào lúc này cũng sẽ đẩy giá dầu cao hơn, đồng thời đưa Riyadh xích lại gần hơn với Nga và Trung Quốc.

Về phần mình, Ả Rập Saudi cũng nhận thức rằng họ không thể dễ dàng đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí cho quân đội của mình, vốn đã được Mỹ trang bị và huấn luyện vượt trội kể từ khi hai nước thiết lập mối quan hệ đôi bên cùng có lợi vào năm 1945.

Tuy nhiên, vết nứt Mỹ - Ả rập Saudi đã và đang gia tăng khi Thái tử Mohammed bin Salman (MbS) tỏ rõ quyết tâm đánh dấu tầm quan trọng của vương quốc, cũng như của chính ông - trên trường thế giới. Cùng với đó là lập trường của chính quyền Biden về vụ sát hại nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi năm 2018 mà Mỹ cho là có "bàn tay" Thái tử Mohammed.

"MbS đã rất nỗ lực kể từ ngày đầu tiên để báo hiệu rằng ông ấy muốn có những mối quan hệ tốt đẹp. Nhưng các nhà chính trị của Mỹ vẫn tiếp tục chỉ trích về vụ Khashoggi - điều mà ông ấy thừa nhận là một sai sót tồi tệ hồi 4 năm trước" - Ali Shihabi, một nhà bình luận thân cận với Tòa án Hoàng gia Saudi, nói với Reuters.

Giới quan sát nhận định rằng người Mỹ không thể đi xa hơn nữa trong việc trừng phạt Ả Rập Saudi, trong khi Ả Rập Saudi có thể chấp nhận các lựa chọn trả đũa hạn chế của Mỹ. Vì vậy đây được cho sẽ là "một cuộc chiến về ý chí".

Elisabeth Kendall, chuyên gia về Trung Đông tại Trường Cao đẳng Girton, Cambridge, cho rằng, điều Mỹ có thể làm trên thực tế là không ngừng bán vũ khí cho Saudi.

"Thách thức đối với điều này là lợi ích kinh tế và chiến lược của chính Mỹ trong việc phải tiếp tục cung cấp vũ khí cho Saudi để họ có thể bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu mỏ của mình, cũng như tránh để Riyadh thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc".