Không chỉ trong mùa dịch bệnh

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, chúng ta đang đón nhận những thông tin theo chiều hướng tích cực về trận chiến phòng bệnh dịch nguy hiểm Covid-19. Đó là kể từ ngày 26/2, tỉnh Khánh Hòa được xác nhận hết dịch Covid-19, và tiếp đến là Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh...

Hà Nội cùng nhiều địa phương khác trong cả nước đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để bảo đảm an toàn vệ sinh cho học sinh trở lại nhà trường.
Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, thời gian tới trong diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, khó lường, Việt Nam có thể ghi nhận những trường hợp mắc Covid-19 mới. Và nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn đầu tiên, nhưng đây chưa thực sự vào cuộc chiến. Thời gian tới, tình hình dịch sẽ thay đổi khó lường. Tuy nhiên, chúng ta có lòng tin, dựa vào nguyên tắc kiên định, luôn đề cao cảnh giác, không phút lơi lỏng. Đặc biệt, người dân đã hiểu biết hơn, tự phòng bệnh cho mình không còn tâm lý hoảng sợ quá mức như thời gian đầu”.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Như vậy, có thể nói rằng, bên cạnh những biện pháp tích cực của cả hệ thống chính trị, mà tuyến đầu là các thầy thuốc, ngành y tế thì một trong những yếu tố quan trọng để chúng ta giành được những thành công bước đầu cũng như tự tin đi tiếp trong cuộc chiến đấu với dịch Covid-19 thời gian tới là người dân đã có nhận thức đúng đắn, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình và cả cộng đồng trước sự tấn công của dịch bệnh.
Dù dịch có nguy hiểm tới đâu, theo quy luật rồi cũng qua. Những thành công, kết quả đạt được trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch bệnh sẽ còn mãi, là những kinh nghiệm quý báu cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân. Như đã nói ở trên, sự thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh có thể coi vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Nói vậy là bởi cũng qua mùa dịch này, đã có những thói quen tốt được hình thành.
Đơn giản, dễ thấy nhất là nền nếp giữ gìn vệ sinh chung, cho mỗi người và cho cả cộng đồng mà việc rửa tay thường xuyên, đúng cách là một ví dụ. Rất nhiều người, kể cả người lớn, đã thừa nhận cho đến trước khi xảy ra dịch bệnh chưa để ý rửa tay cho đúng cách, cũng có nghĩa là chưa thực sự nhận thức được tác dụng của công việc này. Trong khi đó, theo các chuyên gia cả trong và ngoài nước, việc rửa tay thường xuyên, đúng cách là một trong những biện pháp phòng dịch cần thiết và có tác dụng nhất.
Từ việc nhỏ như rửa tay, một khi được thực hiện thường xuyên, có ý thức có thể góp phần hình thành ở mỗi người những thói quen giữ vệ sinh chung khác như chú ý đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi, bỏ rác, trong đó có khẩu trang đã sử dụng đúng nơi quy định. Như vậy, một việc làm tưởng như rất nhỏ nhưng tác động rất lớn, hình thành một nếp sống văn minh, văn hóa cho mỗi người và cả cộng đồng. Cũng cần nói thêm rằng đó là những việc mà lâu nay ít được quan tâm, nếu không nói là bị xem nhẹ.
Chúng ta vẫn thường nói với nhau, ở nhiều nước như Singapore, người ta không vứt rác ra đường, không hút thuốc nơi công cộng… vì mức xử phạt cho những hành vi trên là rất nặng. Qua những diễn biến của mùa dịch Covid-19, có thể thấy không mức phạt nào nặng bằng sự đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng của bản thân và gia đình!
Từ những kết quả nói trên, mong rằng mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan… sẽ tiếp tục việc thực hiện việc giữ gìn vệ sinh không chỉ trong mùa dịch bệnh, góp phần hình thành một nền nếp văn minh, văn hóa bền vững trong cả cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần