Không để các đối tượng lợi dụng kích động chống phá

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Công an, vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết dứt điểm từ sớm những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động chống phá.

Từ ngày 7 - 17/9, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm ngày 9/1/2020. Đây là vụ án vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh.

Khu vực Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức 

Theo Bộ Công an, đây là vụ án nghiêm trọng, nhiều đối tượng vi phạm pháp luật với hành vi manh động, dã man, gây bức xúc dư luận. Vụ án nêu trên do một nhóm đối tượng lợi dụng danh nghĩa đảng viên lôi kéo người dân tham gia các hoạt động sai phạm. Nguyên nhân trực tiếp là hoạt động chống đối của một số đối tượng trong “Tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập, coi thường pháp luật, lợi dụng khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tâm lý ham muốn vật chất của một số người dân để tập hợp, lôi kéo những người bất mãn, tiêu cực, kể cả số nghiện hút ma túy, có tiền án tiền sự tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự.

Trong đó, ông Lê Đình Kình - nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm. Năm 1982, tại Đại hội Đảng bộ xã Đồng Tâm, do không đủ phiếu bầu, không trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ xã, dù đã được bố trí làm thư ký văn phòng UBND xã Đồng Tâm, nhưng ông Kình vẫn nảy sinh tâm lý bất mãn, không mặn mà với công việc. Sau khi nghỉ hưu, ông thường xuyên lôi kéo, tập hợp một số cán bộ cốt cán của xã Đồng Tâm và con cháu trong dòng họ Lê Đình để kích động gây mâu thuẫn.

Từ năm 2013, ông Lê Đình Kình thành lập “Tổ đồng thuận”. Ngoài ông Lê Đình Kình, còn 5 đối tượng chủ mưu cầm đầu, trong đó 3 đối tượng có quan hệ dòng họ với Lê Đình Kình (Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh), 40 đối tượng quá khích và số người ủng hộ hoạt động của “Tổ đồng thuận”. Số này chủ yếu là con, cháu ông Kình và người nhà số chủ mưu, cầm đầu, quá khích. “Tổ đồng thuận” tuyên truyền sẽ được hưởng lợi nếu đòi được đất đồng Sênh để lôi kéo những người dân không có quyền lợi, nghĩa vụ trên đất đồng Sênh tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

3 trong số các bị cáo của vụ án 

Khi lực lượng Quân đội thi công tường rào sân bay Miếu Môn, các đối tượng công khai chuẩn bị hung khí, vũ khí, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng. Để bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ thi công tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn của Bộ Quốc phòng, đoạn qua xã Đồng Tâm, căn cứ vào các quy định của pháp luật, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt triển khai các kế hoạch, phương án, xác định 2 khu vực trọng điểm phải bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn; đó là: Khu vực thi công tường rào sân bay Miếu Môn; Trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, trường học, nhà riêng cán bộ, quần chúng nhân dân khu vực xã Đồng Tâm.

Khi biết lực lượng chức năng triển khai các tổ công tác tại xã Đồng Tâm, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã rất manh động, chúng dùng “bom xăng”, pháo sáng, lựu đạn, tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, gạch đá tấn công quyết liệt lực lượng chức năng. Khi thấy 3 cán bộ, chiến sĩ công an bị ngã từ mái nhà trong quá trình tiếp cận nhà Lê Đình Kình, Lê Đình Doanh đã châm lửa vào chậu xăng đẩy xuống nơi 3 chiến sĩ công an bị ngã xuống. Tiếp đó, Lê Đình Chức liên tiếp đổ 3 - 5 chậu xăng xuống, dẫn đến 3 chiến sĩ công an hy sinh.

Trước hành vi phạm pháp luật và sự ngoan cố của các đối tượng, lực lượng làm nhiệm vụ đã triển khai các biện pháp trấn áp, ngăn chặn theo quy định của pháp luật; bắt giữ và triệu tập các đối tượng. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố và ngày 5/6/2020 đã kết luận điều tra vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm.

Hung khí thu giữ trong vụ án 

Quá trình điều tra đã chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng, khẳng định hành vi giết người dã man, vô nhân tính đối với 3 chiến sĩ công an và chống người thi hành công vụ. Đồng thời làm rõ các tình tiết liên quan: Việc khiếu nại, tố cáo tại xã Đồng Tâm đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; Những hành vi chống đối là của một nhóm nhỏ đối tượng, đại đa số nhân dân xã Đồng Tâm rất bức xúc và đề nghị chính quyền phải xử lý nghiêm; Các cấp chính quyền đã nhiều lần kiên trì tuyên truyền, vận động, đối thoại nhưng các đối tượng vẫn kiên quyết chống đối…

Thực tế vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết dứt điểm từ sớm những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động chống phá.