Không để dịch sởi lan rộng

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự đoán của nhiều chuyên gia y tế, năm nay có thể dịch sởi sẽ bùng phát lại theo chu kỳ 4 năm sau đợt dịch năm 2014. Tại Hà Nội, tỷ lệ mắc sởi đã tăng đột biến so với năm 2017, do vậy công tác phòng chống dịch đang được triển khai quyết liệt tại nhiều cơ sở.

Gia tăng trẻ biến chứng nặng
Được chuyển từ Bệnh viện (BV) Đa khoa Đức Giang lên BV Nhi T.Ư do biến chứng viêm phổi nặng trên nền bệnh sởi, gia đình bé Lương Quốc P. (10 tháng tuổi, Long Biên, Hà Nội) thấp thỏm lo lắng cho bệnh tình của con. Mẹ bé P. cho biết, trước đó bé đã phải nằm viện điều trị tiêu chảy, sau khi về nhà, bé lại sốt và nổi ban. “Tôi đưa con đến khám tại BV Đức Giang thì được chẩn đoán mắc sởi và đã chuyển sang viêm phổi. Tôi cũng không ngờ bệnh lại chuyển biến nhanh đến vậy. Cháu cũng chưa kịp tiêm phòng sởi vì bị ốm liên tục”.
 Bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Hà Ngân
Tương tự tình trạng như bé P., hiện tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư điều trị cho 12 trẻ mắc sởi. Từ đầu năm đến nay, tại Khoa đã tiếp nhận điều trị gần 300 bệnh nhi mắc sởi, riêng từ đầu tháng 8 đến nay là gần 50 bệnh nhi. Đa phần các trẻ bị sởi biến chứng nặng là dưới 1 tuổi, chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi phòng sởi. Các biến chứng bệnh sởi thường gặp là: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa.

Tại Khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, mặc dù hiện nay không còn bệnh nhân mắc sởi đang phải điều trị, song từ đầu năm 2017 khoa cũng tiếp nhận hơn 300 trẻ mắc sởi với gần 40 ca biến chứng nặng. Thậm chí, tại Khoa đã từng tiếp nhận trường hợp 2 bé sinh đôi cùng bị mắc sởi, biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp. Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư Bùi Vũ Huy cho biết, 100% số trẻ mắc sởi vào điều trị tại Khoa đều chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi.

Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn nghiên cứu để hạ thấp tuổi tiêm chủng vaccine phòng sởi so với lịch tiêm chủng hiện nay từ 9 tháng tuổi xuống 6 tháng tuổi để tăng khả năng phòng bệnh cho trẻ.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, mặc dù Hà Nội vẫn đang khá “an toàn” khi số ca mắc sởi mới chỉ rải rác, khống chế được. Tuy nhiên, hàng năm vẫn còn khoảng 3 - 5% trẻ không được tiêm vaccine sởi, số trẻ bị bỏ sót tiêm chủng tích lũy lại hàng năm là đối tượng dễ mắc bệnh sởi. Đặc biệt, hiện nay đang là thời điểm bước vào đầu năm học mới, trẻ tựu trường cũng là nguy cơ dễ khiến bệnh lây lan khó kiểm soát.

Đảm bảo cách ly, thuốc men

Trước nguy cơ bùng phát dịch, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc sởi tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh, khu vực nguy cơ cao; thu thập mẫu bệnh phẩm các trường hợp bệnh nghi ngờ để xét nghiệm. Đồng thời củng cố các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng nhân lực cho đáp ứng phòng chống dịch sởi. Đặc biệt, xử lý kịp thời khu vực có bệnh nhân, ổ dịch hoặc có nguy cơ để không xuất hiện, lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tại các trạm y tế xã, phường của Hà Nội cũng đang duy trì tổ chức tiêm chủng thường xuyên hàng tuần với tất cả các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vaccine phòng bệnh sởi và vaccine phòng bệnh sởi – rubella. Tại các xã, phường cũng triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi nhằm tăng cơ hội cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP, các BV về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống bệnh sởi. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc phải kịp thời báo cáo nếu có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh sởi có thể phát sinh sau mưa bão, lũ lụt… Các BV chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị; liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc điều trị.