Không đồng tình việc “đổi vai” cơ quan tiếp thu Dự án Luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/11, Quốc hội đã thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội không đồng tình với phương án “đổi vai” cơ quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật.

ĐB Nguyễn Mai Bộ
Tán thành với việc ban hành Dự Luật để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn, song, nhiều ĐB cho rằng, sửa luật lần này cần căn cơ hơn, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình ban hành VBQPPL, bảo đảm việc hành VBQPPL thực sự có chất lượng, vì quyền lợi chung của đất nước, tránh tình trạng lợi ích nhóm trong ban hành VBQPPL.
Đặc biệt, về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, hiện có 2 phương án được đưa ra. Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Ngày 21/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện, trong đó, liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật nhằm bảo đảm hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện; nhất là liên thông giữa các thư viện được Nhà nước đầu tư với các thư viện khác.
Các ĐB không đồng tình phương án cơ quan nào soạn thảo luật đồng thời là cơ quan chủ trì tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý cho đến khi dự án luật được Quốc hội thông qua. Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang), bản chất của việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật là việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ĐB Quốc hội. Trong trường hợp tiếp thu thì sửa dự thảo luật và được thể hiện trong dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua, còn không tiếp thu thì sẽ đề cập trong bản giải trình. “Thực tiễn hoạt động tiếp thu trong thời gian qua cho thấy có đến 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu. Khi đó, các ĐB trở thành người đi chợ để trả giá còn việc có bán hay không, có đồng ý hay không lại thuộc quyền của họ” – ĐB nói.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng không tán thành việc "đổi vai" này. Theo ĐB, lâu nay nhiều DN, người dân trăn trở về tính cục bộ trong quá trình soạn thảo luật. Vào Google, chỉ cần tìm cụm từ "tính cục bộ trong xây dựng pháp luật" thì sẽ ra hàng trăm bài viết. Một số trường hợp Chính phủ đã thống nhất quan điểm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đại diện các bộ, ngành vẫn nói ngược lại để bảo vệ lợi ích riêng của ngành mình. Từ cách tiếp cận trên, ĐB nhấn mạnh "chúng ta vẫn rất cần cơ quan dân cử, độc lập về lợi ích, có thể lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, DN để đưa ra những văn bản mang tính khách quan nhất".
Còn theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh), việc xây dựng luật, pháp lệnh hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục được một số bất cập song tính hiệu lực, hiệu quả chưa rõ. Nguyên nhân chính xuất phát từ năng lực của các cơ quan chủ trì. Ngoài ra, còn có hiện tượng đại biểu cứ phải biểu thảo luận ở tổ, hội trường, tranh luận sôi nổi nhưng khi tiếp thu một số cơ quan chủ trì đọc một văn bản soạn sẵn. Theo ĐB, cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm tới cùng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm của mình.
Các ĐB đề nghị tiếp tục thực hiện quy định hiện nay là giao cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Về lâu dài, bên cạnh Ủy ban Pháp luật, Quốc hội cần có cơ quan xây dựng pháp luật với đội ngũ chuyên gia, đảm bảo làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.