Không hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp bằng tiền

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ nguyên tắc thị trường, không hướng đến hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, tránh tình trạng bao cấp, ỷ lại.

Góp ý vào dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, so với các dự thảo trước đây, dự thảo lần này đã thành công trong việc nhận diện và giới hạn các biện pháp hỗ trợ DNNVV ở 7 biện pháp hỗ trợ chung (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực) và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết).
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ ngoài việc nhận diện, dự thảo dường như chưa có các quy định cụ thể về các nguyên tắc, đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các biện pháp này. Ví dụ điển hình cho bất cập này là quy định về biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng (Điều 8 Dự thảo). Điều 8 không chỉ ra được biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng này thực chất là biện pháp gì, chưa nói tới chuyện các biện pháp đó sẽ vận hành như thế nào, nguồn từ đâu, cho đối tượng nào…
Mới đây, tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV do VCCI tổ chức, đại diện các DN cho rằng dự án luật có nhiều nội dung tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung các DN vẫn kỳ vọng nhiều hơn vào việc cần có những quy định cụ thể hóa, không nên quy định chung chung dẫn tới khó thực hiện. Điều các DN mong muốn là cần tạo một môi trường tốt để có thể cạnh tranh bình đẳng, thay vì đưa ra quá nhiều tham vọng về chính sách hỗ trợ, đặc biệt trong bối cảnh nguồn ngân sách eo hẹp.
Sau khi có các thông tin phản hồi về nội dung dự thảo, Ban soạn thảo đã trao đổi thông tin với báo chí để giải thích rõ hơn về dự thảo Luật này.
Về phía Bộ KH&ĐT, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN khẳng định, đơn vị soạn thảo đã nghiên cứu cẩn trọng để dự thảo Luật không vi phạm khi thực thi các cam kết WTO và các hiệp định thương mại tự do, vì việc hỗ trợ các DNNVV được loại trừ trong các cam kết.
Dự thảo Luật có tính đến các mục tiêu trong Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Các quy định hướng tới hỗ trợ các DN có trọng tâm, không phải dàn trải. Việc hỗ trợ các DNNVV là theo cơ chế, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không hướng đến hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, tránh tình trạng bao cấp, ỷ lại.
Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh hiện nay e ngại những phức tạp về thuế, bảo hiểm, các thủ tục DN… nên không muốn đổi thành DN. Do đó, dự thảo Luật mới cũng hướng tới khuyến khích để các hộ chuyển lên thành DNNVV, thúc đẩy tham gia sản xuất theo chuỗi, hình thành nên thị trường bền vững cho DN.
Theo Ban soạn thảo, một trong những khó khăn lớn của DNNVV hiện nay là vấn đề tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Do đó, dự thảo Luật quy định các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua thiết kế lãi suất vay, thời gian cho vay, điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp với đặc điểm, quy mô DN, đa dạng hoá các hình thức cấp tín dụng phù hợp với nhu cầu DNNVV.
Theo ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển DNNVV, Cục Phát triển DN cho rằng, cần phải hiểu rõ đây chỉ là khuyến khích chứ khó có thể “ép” ngân hàng cho vay, vì cho vay hay không, lãi suất thế nào là ngân hàng quyết định hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Về các quỹ hỗ trợ, có thể nói hiện nay vẫn chưa phát huy tác dụng hiệu quả. Dự thảo Luật điều chỉnh, bổ sung để phát huy tác dụng quỹ từ nguồn vốn Nhà nước. Đồng thời, quan trọng là các quỹ từ khu vực tư nhân, huy động vốn từ xã hội đầu tư cho DNNVV, DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Về mặt bằng sản xuất kinh doanh, dự thảo Luật tạo cơ chế cho DNNVV có điều kiện vào các khu, cụm công nghiệp, công nghệ cao, các ưu đãi, thông qua cơ chế về thuế, tiền thuê đất nhằm khuyến khích các DN, tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế… Hơn nữa, để tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm cho DNNVV, dự thảo hướng tới việc quy định mua sắm công dành nhiều cơ hội hơn cho nhà thầu là các DNNVV, góp phần hình thành nên liên kết kinh doanh, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Vì thực tế, trong nhiều dự án lớn về xây dựng hạ tầng, nhiều DNNVV vẫn có thể đảm đương tốt với giá thành hợp lý và cạnh tranh. Ở nhiều nước, các gói về phần mềm, giải pháp công nghệ, sản xuất phụ kiện chi tiết nhỏ, các DNNVV là nhà thầu chiếm số lượng lớn trong các hợp đồng mua sắm của Chính phủ.
Ông Lê Văn Khương khẳng định, dự thảo Luật không hướng tới việc hỗ trợ DN bằng tiền ngân sách mà tập trung vào tăng cường thông tin tín dụng, tăng cường minh bạch thông tin, để ngân hàng và DN tiếp cận nhau thuận lợi hơn.
Đại diện Cục Phát triển DN cũng khẳng định, dự thảo Luật này được xây dựng theo hướng là luật khung, chứ chưa phải cụ thể ngay. Điều này cũng được thực hiện tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Kèm theo đó, những nước này điều chỉnh khoảng 18-20 luật chuyên ngành khác.
“Việc ban hành Luật là một chuyện nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu thực thi pháp luật ở các địa phương, thực thi đạo đức, chức trách của cán bộ công chức phải nghiêm, thì Luật mới đi vào cuộc sống”, đại diện Cục Phát triển DN nói.