Không thể chủ quan

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù chưa mạnh lên thành bão, song áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình hôm 10/10 và hoàn lưu của nó cũng đã kịp để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh Bắc miền Trung và Bắc Bộ.

Tính đến chiều qua (11/10), áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu đã làm 29 người chết và 21 người bị mất tích, gần 4.000 ngôi nhà bị ngập úng cùng nhiều sự cố đê, kè, cầu cống nguy hiểm khác. Dẫu biết “nắng mưa là chuyện của trời”, thiên tai là điều bất khả kháng, song trong thiệt hại của áp thấp nhiệt đới lần này có phần đến sự chủ quan.
Mố cầu bị cuốn trôi, chia cắt thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Ảnh: Yenbaitoancanh.net

Con số thiệt hại do hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vẫn tiếp tục tăng sau mỗi lần báo cáo từ các địa phương cho thấy sự tàn phá nặng nề của thiên tai. Nếu so sánh với thiệt hại do những cơn bão trước đó gây ra có thể thấy một sự tương phản rõ nét. Đơn cử, cơn bão số 6 đổ bộ trực tiếp vào nước ta cuối tháng 8 vừa qua làm 3 người chết, mất tích và gần 400 ngôi nhà bị thiệt hại. Hay cơn bão số 10 hồi giữa tháng 9 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng con số người chết mới dừng lại ở 9 người và 4 người bị thương. Rõ ràng, thiệt hại do ATNĐ lần này gây ra lớn hơn rất nhiều so với những cơn bão trước đó, trước mắt là về số người thiệt mạng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lý giải, đây là đợt mưa “chưa từng có” trong khoảng 10 năm trở lại đây, do cộng hưởng của ATNĐ và không khí lạnh. Thực tế, những ngày qua, các địa phương cũng khá tích cực vào cuộc chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ. Tuy nhiên, nếu có những biện pháp quyết liệt hơn, các địa phương vẫn có thể hạn chế được thiệt hại. Đơn cử, mỗi lần có mưa bão, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai T.Ư đều yêu cầu các địa phương rà soát, cảnh báo và bố trí lực lượng tại các khu vực trọng điểm, xung yếu. Tuy nhiên, tại Yên Bái vẫn còn người và phương tiện đi qua cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) ở thời điểm nước lũ đánh sập. Hay tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn còn những trường hợp trẻ em mải mê bắt chuột ngoài đồng, người đi qua cầu, cống khi thủy điện xả lũ dẫn đến bị cuốn trôi… Dường như, đâu đó vẫn còn tư tưởng chủ quan khi dự báo chỉ là… ATNĐ.

Cái giá phải trả cho sự chủ quan, xem thường ATNĐ là khá đắt, thậm chí có thể trả giá bằng sinh mệnh. Trong khi đó, tình hình mưa lũ được dự báo là vẫn tiếp diễn phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống thiên tai chiều 11/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương không được phép chủ quan trước diễn biến của thiên tai, thời tiết, đồng thời nhấn mạnh “các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân cần đặc biệt cảnh giác để tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra tại các tỉnh Trung Bộ cũng như tình huống bão đổ bộ trong một số ngày tới”. Rõ ràng, ứng phó với thiên tai luôn là bài học thời sự, không được phép lơi là, dù chỉ một phút.