Không thể để xăng, dầu bất ổn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tháng qua, giá xăng, dầu liên tục biến động mạnh và hiện đã vượt 25.000 đồng/lít xăng, cao nhất 8 năm.

Người tiêu dùng mua xăng dầu tại cửa hàng 171 Xuân Thủy (Cầu Giấy). Ảnh Lê Nam 
Người tiêu dùng mua xăng dầu tại cửa hàng 171 Xuân Thủy (Cầu Giấy). Ảnh Lê Nam 

Cuối tuần qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản giao thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, chỉ đạo, kết hợp nhiều giải pháp phù hợp đối với việc bình ổn giá xăng, dầu để sớm xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Trước đó, Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu 2 Bộ Công Thương, Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện kết quả điều hành giá xăng, dầu; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN rà soát kỹ cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Hơn một tháng qua, giá xăng, dầu liên tục biến động mạnh và hiện đã vượt 25.000 đồng/lít xăng, cao nhất 8 năm. Cùng với đó là tình trạng cây xăng bán hàng nhỏ giọt tái diễn tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam. Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu lấy lý do khan hiếm nguồn cung, hoạt động kinh doanh thua lỗ để ngừng bán hàng hoặc bán theo định mức.

Bộ Công Thương đã có chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra các DN đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng, dầu. Nhưng vấn đề là phải giải quyết cái gốc. Tại sao một số DN không muốn bán xăng, dầu? Giá cả xăng, dầu tăng có hài hòa chưa? Lợi ích, lời lỗ từ bao nhiêu năm nay với các DN có phù hợp chưa? Và trong cơ cấu hình thành giá xăng, dầu, thuế và phí chiếm hơn 40% khiến cho mỗi lít xăng, dầu có giá cao ngất ngưởng như hiện nay… Đó là những khúc mắc đòi hỏi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải đối mặt để sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm.

Thực tế việc điều hành kinh doanh phân phối xăng, dầu thời gian qua được giao cho Bộ Công Thương nhưng chưa thấy một sự cải tiến nào đáng kể nhằm tránh những trường hợp nguồn hàng tắc nghẽn như vừa qua.

Ở kỳ điều chỉnh đầu tuần này (từ 21/2), giá xăng, dầu khả năng cao tiếp tục tăng khi giá dầu thế giới tiến sát 100 USD, và nguy cơ bất ổn về nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn. Dựa trên báo cáo của các DN đầu mối về kế hoạch nhập khẩu hàng bù đắp thiếu hụt từ nguồn cung của Lọc dầu Nghi Sơn, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo "phải 10 ngày nữa cung - cầu thực trên thị trường mới cân bằng".

Hiện nhà máy Nghi Sơn mới đạt 60% công suất. Theo kế hoạch, khi lô hàng dầu thô (nguyên liệu sản xuất chính) cập cảng ngày 24/2, công suất của nhà máy mới hồi phục lên mức 80% và đạt 100% công suất từ giữa tháng 3. Dù vậy, với mức tài chính ngắn hạn vừa được cấp, cũng chỉ đủ để nhà máy này hoạt động tới tháng 5. Do đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính cần có ngay giải pháp tổng thể, có sự phối hợp và thống nhất hơn trong điều hành, phù hợp với diễn biến thế giới và điều kiện thị trường của Việt Nam.

Việt Nam đang dần muốn xây dựng một thị trường xăng, dầu mang tính thị trường thực sự. Từ chỗ thời gian điều chỉnh giá diễn ra trong vòng 1 tháng, sau đó giảm xuống 15 ngày và đến nay theo Nghị định 95/NĐ-CP, chu kỳ điều chỉnh giá đã giảm xuống còn 10 ngày. Tới đây, để giá xăng, dầu trong nước tiệm cận hơn với giá xăng, dầu thế giới, thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu nên rút ngắn xuống 7 ngày hoặc 5 ngày và nếu có thể nên rút ngắn hơn nữa. Và khi giá xăng, dầu quá cao phải dùng các công cụ khác như thuế, phí.

Cần hơn hết, là việc phải nâng cao hơn nữa năng lực dự báo, đánh giá tình hình thế giới, trong nước, cung cầu thị trường, giá cả… để có cơ sở đưa ra những phương án điều hành chủ động, linh hoạt, chặt chẽ và khoa học hơn.

Trong khi một loạt các biện pháp đang được triển khai để phục hồi, phát triển kinh tế, kỳ vọng với việc chỉ rõ cơ quan chịu trách nhiệm, triển khai những biện pháp tích cực, bất ổn thị trường xăng, dầu sẽ sớm ổn định trở lại, tạo nguồn lực cho đà phát triển kinh tế trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.