Không thể làm thay

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa bao giờ dịch sốt xuất huyết lại ám ảnh người dân đến vậy. Cũng chưa bao giờ, các bệnh viện lại quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết đến thế.

Khoảng thời gian dài người dân Hà Nội sống trong lo âu bởi dịch đã “gõ cửa” từng nhà. Từ người già, trẻ nhỏ, đến cả phụ nữ đang mang thai cũng đều có mặt trong bệnh viện.
Người dân thấy "choáng" trước sự bùng phát của dịch, các chuyên gia y tế giật mình vì chưa năm nào, SXH để lại những biến chứng khó lường như vậy. 7 ca tử vong do SXH và một số ca tử vong do các bệnh lý khác trên nền bệnh nhân SXH quả là con số đau lòng. Hơn 18.000 ca mắc với 1.800 ổ dịch - một con số quá khủng khiếp trong một mùa dịch.
Không phải đến bây giờ, khi dịch bùng phát, Hà Nội mới vào cuộc mà ngay từ đầu năm, dự báo tình hình mùa dịch này sẽ có những bất thường, ngành y tế Thủ đô đã có kế hoạch chi tiết phòng chống dịch bệnh, trong đó chú trọng dịch SXH. Hàng trăm chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy được thực hiện ở tất cả các quận, huyện, trong đó chú trọng những địa bàn trọng điểm. Riêng từ tháng 5 đến nay, khi số ca mắc bắt đầu tăng và dồn dập vào tháng 7, tháng 8, liên tiếp nhưng văn bản, kế hoạch, công văn tiếp tục được ban hành. UBND TP Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt hơn. Đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã thị sát tình hình thực tế và chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã nhiều lần đến các ổ dịch, các điểm nóng ở khu dân cư yêu cầu tăng cường chống dịch. Về phía ngành y tế, từ Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng đã thức trắng nhiều đêm cùng các địa phương kiểm tra và chỉ đạo công tác chống dịch. Tất cả các ổ dịch lớn, ổ dịch có nguy cơ tái bùng phát đều được lãnh đạo TP, lãnh đạo ngành đến kiểm tra thực tế. Trong sáng qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đến kiểm tra tại quận Tây Hồ và đề nghị Hà Nội mạnh mẽ, quyết liệt hơn để ứng phó với dịch SXH.
Một điểm mới của mùa dịch năm nay là tất cả các thôn, tổ dân phố, đến xã, phường, quận, huyện đều thành lập được tổ xung kích diệt bọ gậy. Tổ có nhiệm vụ đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch. Có thể nói, trong suốt thời gian qua, Hà Nội đã dồn lực dập dịch SXH. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, trong tuần qua, số ca mắc SXH bắt đầu chững lại. Đây là một tín hiệu vui, nhưng không thể chủ quan, bởi thời tiết mưa triền miên, tiếp tục gây bất lợi cho việc dập dịch.
Theo các chuyên gia y tế , dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, nhưng không thể làm thay việc của mỗi người dân và mỗi gia đình. Không có muỗi, lăng quăng, bọ gậy sẽ không có SXH, nhưng qua kiểm tra thực tế, nhiều người dân vẫn chưa biết cách phòng dịch, thậm chí không hợp tác với cán bộ y tế để phòng dịch. Việc tuyên truyền của ngành y tế dù đã tăng cường, nhưng dường như vẫn chưa thấm vào ý thức của nhiều người dân. Những việc làm rất đơn giản như thay nước thường xuyên trong bình hoa, lật úp các vật dụng chứa nước, thả cá vào các bể chứa nước lớn... tưởng như rất đơn giản nhưng nhiều người vẫn thờ ơ.
Vậy nên, Hà Nội có dập được dịch SXH hay không, để hạn chế bớt những cái chết đau lòng, những ca biến chứng nguy hiểm, những trường hợp nằm viện dài ngày... còn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân trong việc diệt lăng quăng, bọ gậy ở mỗi gia đình chứ không chỉ nỗ lực của ngành y tế.