Không thỏa hiệp với vi phạm

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Cơ quan chức năng phải kiên quyết nói không với tiêu cực trong giao thông; không nhận hối lộ, không bao che cho sai phạm mới có thể xử lý triệt để vi phạm”.

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019, phương hướng 6 tháng cuối năm tổ chức ngày 22/7. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ GTVT, các đơn vị liên quan sớm đưa ra quy định rõ ràng, nhằm xử lý hình sự người lái xe vi phạm nồng độ cồn và tước bằng lái vĩnh viễn những con nghiện ma túy.
Thực tế hiện nay, việc đào tạo, sát hạch lái xe, kiểm định phương tiện vẫn đang bị buông lỏng và còn nhiều tiêu cực. Các DN vận tải vẫn chưa nhận thức đúng, đầy đủ mối nguy từ việc lơ là quản lý người lao động.
Trong khi đó, lực lượng chức năng xử lý vi phạm giao thông còn chưa hoàn toàn trong sạch, vẫn nhận hối lộ, nhắm mắt bỏ qua cho “ma men" lái xe trên đường, đe dọa nghiêm trọng an toàn tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, hình phạt dành cho loại vi phạm này còn chưa đáp ứng mong mỏi của người dân, chưa đủ độ răn đe, cảnh tỉnh người lái xe.
Muốn có một xã hội văn minh, trong đó người dân khi tham gia giao thông được an toàn tuyệt đối, cả hệ thống chính quyền phải thực sự vào cuộc, đặc biệt là không thỏa hiệp với vi phạm dưới mọi hình thức. Pháp luật cần có những quy định thật nghiêm khắc, xử lý hình sự lỗi vi phạm nồng độ cồn, tước bằng lái vĩnh viễn đối với con nghiện ma túy.
Hơn nữa, các DN vận tải phải dành sự quan tâm sâu sắc đến phẩm chất, đạo đức của người lái xe. Thậm chí bên cạnh sự giáo dục của pháp luật, DN vận tải cần có chương trình riêng để liên tục rèn luyện ý thức nghề nghiệp cho người lái xe. Mục tiêu ngăn chặn tai nạn giao thông thảm khốc do “ma men", ma túy phải thực hiện làm triệt để, toàn diện, ngay từ những cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, một câu hỏi rất lớn được dư luận đặt ra là liệu công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông thời gian qua đã thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn? Hay công tác tuyên truyền mới chỉ dừng ở tính hình thức, chưa có sự tham gia của toàn dân?
Cùng với cơ quan chức năng, mỗi tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, mỗi người dân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với vấn đề an toàn giao thông. Đó là hạnh phúc của cả cộng đồng, vì sự bình yên của toàn xã hội, không ai có thể đứng ngoài cuộc.
Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc do người điều khiển ô tô say rượu, phê ma túy gây ra, nỗi ám ảnh “chết oan vì ma men” đã phủ bóng từ thành thị tới nông thôn. Hơn lúc nào hết, cả xã hội cần chung tay ngăn chặn vấn nạn này.