Không thu gom rác thải sinh hoạt chưa được phân loại: Cần có lộ trình

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định, từ ngày 1/1/2021, cá nhân, hộ gia đình không phân loại, thu gom, xử lý rác thải theo quy định… thì đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom, vận chuyển. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, dù rất cần thiết… nhưng không dễ để áp dụng các quy định này trong “một sớm, một chiều”.

Còn đó vết xe đổ

Điều 60, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định: Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định… Tiếp đó, Khoản 2, Điều 77 của Luật cũng nêu rõ: Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật…

Phần lớn lượng rác thải ở Hà Nội chưa được phân loại tại nguồn.
Phần lớn lượng rác thải ở Hà Nội chưa được phân loại tại nguồn.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, việc Quốc hội thông qua quy định trên sẽ góp phần quan trong trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm trong việc phân loại, thu gom rác thải của mỗi cá nhân, hộ gia đình và các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải… từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động tái chế rác thải, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu những hệ lụy do rác thải gây ra. Song, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, việc áp dụng các quy định trên là cần thiết song không dễ thực hiện được.

Lý giải cho quan điểm trên, các chuyên gia nêu vấn đề, câu chuyện phân loại rác tại nguồn, tái chế không phải là câu chuyện mới, nó đã diễn ra trong nhiều năm trước. Cụ thể, trong giai đoạn 2006 – 2009, mô hình 3R:  Giảm thiểu (Reduce) - Tái chế (Recycle) - Tái sử dụng (Reuse) đã được cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA hỗ trợ cho TP Hà Nội được triển khai thí điểm tạị một số khu vực trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, sau khi hết kinh phí, chương trình dừng hoạt động thì đâu lại vào đó.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, thực hiện dự án “Quản lý, phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP Hà Nội” do Urenco và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam thực hiện, các đơn vị chức năng đã tiến hành đổi rác lấy quà tặng được hơn 1.250 tấn rác. Trong đó, nhựa là 344 tấn, giấy là 811 tấn, kim loại là 106 tấn.

Bà Nguyễn Thị Hương, ngõ Phan Huy Chú, phường Phan Chu Trinh chia sẻ, thời điểm khi dự án 3R triển khai, người dân, chính quyền ai cũng hào hứng tham gia. Thậm chí, để hưởng ứng chương trình, người dân, chính quyền địa phương còn thành lập các tổ giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn người dân phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, do đơn vị thu gom không bố trí được phương tiện thu gom riêng biệt giữa rác tái chế và rác thực phẩm, nên rác thải vẫn đổ lẫn rác vào nhau… Từ đó, dần dần, đặc biệt là khi dự án kết thúc người thói quen phân loại rác tại nguồn cũng kết thúc luôn.

Cần có lộ trình

Lý giải về việc dự án 3R thất bại, đại diện một số đơn vị thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn TP cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn dẫn đến việc phân loại rác không thể tiếp tục thực hiện được là thiếu sự đồng bộ và chỉ đạo từ các cấp các ngành. Đồng thời, do thiếu kinh phí nên việc xây dựng các điểm trung chuyển, mua sắm các phương tiện vận chuyển rác thải riêng biệt, phát triển đội ngũ cộng tác viên thu gom, phân loại… gặp nhiều khó khăn, dự án dần dần đi vào bế tắc, không phát huy được hiệu quả bền vững.

Chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng là một trong những hoạt động tích cực nhằm nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn.
Chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng là một trong những hoạt động tích cực nhằm nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn.

Đề cập đến những biện pháp nhằm thực hiện yêu cầu phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, ông Đặng Hữu Bình – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội  (Urenco) chia sẻ, mặc dù Luật đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành được thông tư hướng dẫn nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn, đơn vị đang phối hợp với Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam), Unilever Việt Nam… tổ chức các chương trinh thu gom rác đổi quà tặng tại nhiều địa bàn ở Hà Nội nhằm từng bước nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, ý thức phân loại rác thải tại nguồn” – ông Đặng Hữu Bình chia sẻ.

 

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính dựa trên khối lượng, thể tích chất thải ra. Trong đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây: Phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trong khi đó, đánh giá về các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, đặc biệt là quy định không phân loại rác chưa được phân loại, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, đây là quy định hoàn toàn đúng đắn. Bởi, chỉ khi tổ chức được phân loại rác thải tại nguồn môi trường mới đảm bảo, chúng ta mới xây dựng được nền kinh tế tuần hoàn. Song, để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần có lộ trình thực hiện, cần thí điểm ở một số phường, xã trước khi triển khai trên toàn TP.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực thi các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó, cần hướng dẫn cụ thể vai trò của từng đối tượng có liên quan như: người dân, đơn vị thu gom, vận chuyển, tái chế… Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần làm rõ cơ chế hỗ trợ chính sách, xử phạt đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm các quy định đề ra để đảm bảo các quy định thực hiện một cách có hiệu quả, đem lại giá trị bền vững.