Không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội là đề án thí điểm, không vi hiến

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương gồm 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã tồn tại trên 70 năm, qua thời gian nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến tổ chức bộ máy. Trong đó, phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước đã thu hẹp và thay đổi.
Ngày nay, Nhà nước không còn tham gia trực tiếp vào cung cấp nhiều dịch vụ công như trước, thay vào đó, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tham gia thực hiện như dịch vụ bưu chính viễn thông, điện, nước, xử lý rác thải, môi trường...
 Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng)
Đại biểu cho rằng, hệ thống pháp luật được xây dựng khá hoàn chỉnh, bao quát được tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhà nước quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân ngày càng cao. Hạ tầng giao thông thuận tiện hơn trước, sự bùng nổ CNTT hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước.
Sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn ngày càng rõ nét, ở đô thị có tính tập trung cao, đa dạng về nguồn lực, ranh giới địa giới hành chính không có nhiều ý nghĩa, các dịch vụ công được tổ chức ở quy mô thành phố, hoạt động kinh doanh không bị giàng buộc bởi địa giới hành chính... cho thấy một số chức năng và nhiệm vụ của chính quyền cấp phường không còn phù hợp.
Tổ chức chính quyền cấp phường hiện nay làm bộ máy trở nên cồng kềnh, làm chậm quá trình triển khai các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, lãng phí nguồn lực. Đại biểu cho rằng, việc đề xuất không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thực chất là không tổ chức cấp chính quyền phường, như vậy, chính quyền đô thị ở Hà Nội chỉ còn 2 cấp.
Đại biểu cũng cho rằng, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội hoàn toàn đủ căn cứ pháp lý, hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Các chức năng có tính đại diện của HĐND phường được chuyển cho HĐND quận, như vậy HĐND quận, huyện, thị xã đại diện đầy đủ cho quyền lợi, tiếng nói của nhân dân. UBND phường chỉ là cánh tay nối dài của UBND quận, chịu sự giám sát của HĐND quận. “Nói như vậy để thấy, tất cả các quyền của nhân dân vẫn được bảo đảm đầy đủ”, đại biểu bày tỏ.
Theo đại biểu, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hầu hết các nước tổ chức bộ máy Nhà nước chỉ gồm 3 cấp gồm: Cấp trung ương, cấp tiếu ban, và cấp chính quyền địa phương, chỉ có một vài nước tổ chức 4 cấp như Việt Nam.
“Cá nhân tôi rất tin tưởng vào thành công của chủ trương này, đồng thời đây cũng là ý nguyện của người dân Hà Nội được đúc kết trong đề án thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội do Thành ủy, UBND, HĐND TP Hà Nội xây dựng và thảo luận tại kỳ họp HĐND TP. Như vậy, Hà Nội đã chủ động và sẵn sàng cho đổi mới”, đại biểu Phùng Văn Hùng nhận xét.
Giảm cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, qua ý kiến, tờ trình của Chính phủ, đề án về chính quyền đô thị của TP Hà Nội, báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho thấy, các tờ trình và tài liệu chuẩn bị hết sức chu đáo và đầy đủ. Điều này thể hiện TP Hà Nội dám làm, có bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng để trình Quốc hội.

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường là một điểm rất là táo bạo, đổi mới để thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Đây cũng là một chủ trương lớn phát động mang tính chất xã hội sâu sắc, là cơ sở từ Hiến pháp 2013.

Về thực tiễn, việc thí điểm này đáp ứng yêu cầu phát triển về trình độ đô thị hóa, hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội, yêu cầu trực tiếp đổi mới cải cách bộ máy tổ chức tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn. Giảm được đầu mối sẽ giảm được các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Như vậy sẽ tạo chủ động cho Chính phủ và chính quyền TP Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp cũng như tiến tới bầu cử HĐND các cấp TP Hà Nội.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, theo dự thảo thì Nghị quyết, chính quyền địa phương TP Hà Nội ở khu vực đô thị thực hiện mô hình hai cấp, cấp TP và cấp quận, thị xã. Ở cấp phường sẽ thí điểm mô hình không có tổ chức cấp chính quyền và không có cấp HĐND, cơ quan hành chính là phường, UBND phường chỉ thực hiện một số công việc quản lý hành chính Nhà nước và cung cấp dịch vụ công.

Hà Nội là một trong những tỉnh thuộc 63 tỉnh thành phố, thí điểm tại Hà Nội để tổng kết nếu phù hợp, hiệu quả thì đây là một điểm để nhân rộng trong cả nước trong sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.

Trong khi đó, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà thì đề nghị xem lại tên gọi của Nghị quyết. Đại biểu phân tích, qua tiếp toàn bộ Đề án, Tờ trình cho thấy lần thí điểm này thực chất là không còn Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là do Ủy ban nhân dân quận chỉ định, bổ nhiệm. Vì vậy, nên xem xét lại nội dung và tên của nghị quyết này và đại biểu kiến nghị tên gọi của Nghị quyết nên là “thí điểm không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt ra câu hỏi liệu thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường có vi phạm các quy định của Hiến pháp, do đó cần có rà soát, đánh giá lại các nội dung, cân nhắc thận trọng khi thực hiện thí điểm.

Giảm bớt một cấp chính quyền làm gọn nhẹ hệ thống hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (đoàn TP Hà Nội - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội) cho biết yêu cầu xây dựng Đề án được bắt nguồn từ thực tiễn của Hà Nội. Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước. Bộ máy chính quyền của TP Hà Nội hiện nay đang từng bước thực hiện theo Luật tổ chức chính quyền địa phương có ba cấp đầy đủ, TP, quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn, trong khi đặc điểm khu vực đô thị là dân cư sống rất tập trung, mật độ dân số cao, nên hoàn toàn có thể giảm bớt một cấp chính quyền để giảm tầng cấp, làm gọn nhẹ hệ thống hành chính, giúp cho các quyết định điều hành của UBND, Chủ tịch UBND TP, quận, huyện, thị xã đối với cơ quan hành chính cấp dưới nhanh hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô. 

“Bên cạnh đó, những thách thức ngày càng tăng, về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, giao thông, môi trường, an ninh trật tự đối với Thủ đô đòi hỏi cần có một cơ chế, chính sách hợp lý cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, việc thực hiện thí điểm Đề án chính quyền đô thị theo mô hình chính quyền hai cấp ở TP, quận; chính quyền ba cấp ở TP huyện, xã tại TP Hà Nội đồng thời với việc thực hiện đổi mới các cơ quan chuyên môn của TP và quận, thị xã phù hợp với tính chất đô thị, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa TP Hà Nội với các cơ quan chuyên môn và UBND quận, thị xã, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân Thủ đô là hết sức cần thiết và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Hà Nội.” - đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Cũng theo bà Bích Ngọc, Đề án đã được TP chuẩn bị công phu, có tiếp thu, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 26 Quốc hội khóa XII năm 2008 của Quốc hội, có xây dựng lộ trình từng bước thật chặt. Đề án được TP Hà Nội nghiên cứu, triển khai trong hai giai đoạn: giai đoạn từ năm 2017 đến nay, quá trình xây dựng hoàn thiện, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm ở các TP đã thí điểm theo Nghị quyết số 26 của Quốc hội khóa XII, đồng thời tổ chức 8 hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Nhiều lần xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương cả bằng hình thức trực tiếp tổ chức hội nghị, hội thảo và hình thức bằng văn bản. Báo cáo xin ý kiến Đảng, đoàn Quốc hội, các Ủy ban Quốc hội, ban cán sự Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan về nội dung của Đề án trước khi trình Bộ Chính trị. Tiến hành rà soát, thu thập số liệu phục vụ xây dựng Đề án với 88 cơ quan đơn vị thuộc TP trong đó các sở, ban, ngành đoàn thể từ TP đến Trung ương, 30 quận, huyện, thị xã. TP đã tổ chức điều tra trên 7600 phiếu đối với 3 nhóm đối tượng: Cán bộ chủ chốt cấp huyện, cán bộ chủ chốt cấp xã, cán bộ ở thôn, tổ dân phố. Các ý kiến đều thể hiện sự đồng tình với nội dung Đề án và đã được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc triển khai Đề án.

Bà Bích Ngọc cũng nêu rõ: “TP Hà Nội đã nghiên cứu kỹ lưỡng tác động của Đề án khi triển khai thực hiện. TP rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của HĐND phường để đảm bảo khi thực hiện Đề án, quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế. Đồng thời rà soát lại phân cấp giữa Trung ương với TP, giữa TP với quận, huyện, xã, phường để tạo sự chủ động nhanh nhất trong điều hành hành chính của các cấp chính quyền. Và Đề án về phân cấp này, chúng tôi đã trình cùng với Đề án chính quyền đô thị.”

Về chức năng, nhiệm vụ Hội đồng, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: TP cũng đang nghiên cứu và chỉ đạo để xây dựng Đề án bầu cử đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã thì yêu cầu phải có thành phần đại diện các phường trên địa bàn. Về hoạt động giám sát thì sẽ phân công, giao nhiệm vụ cho HĐND quận, huyện, thị xã thực hiện vai trò giám sát UBND phường trong việc thực hiện các nội dung do HĐND quận giao.

Cũng theo bà Bích Ngọc, việc tiếp xúc cử tri sẽ được đảm bảo thông qua đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu HĐND TP và tăng cường tiếp xúc của các Tổ đại biểu HĐND trên địa bàn mà không tổ chức HĐND phường và qua đó cử tri cũng sẽ phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến các cơ quan, thường xuyên tiếp dân ở Hà Nội. Đại biểu HĐND tỉnh, TP, quận, huyện đều phải tổ chức tiếp dân hàng tháng.

“TP cũng chủ động xây dựng phương án sắp xếp cán bộ sau khi Đề án được triển khai thực hiện. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hướng dẫn của các bộ, ban, ngành, TP Hà Nội xây dựng Đề án sắp xếp cán bộ, tổ chức vận hành công tác quản lý Nhà nước tại phường đảm bảo thông suốt, liên tục. Hiện nay TP cũng đã có khảo sát, phân loại và có các phương án cụ thể về công tác cán bộ, công chức, viên chức của phường trên cơ sở đó để báo cáo với các cấp theo quy định.” – Bà Bích Ngọc nhấn mạnh.

Chủ tịch H ĐND TP Hà Nội cho rằng: Trên cơ sở công tác chuẩn bị của Đề án rất công phu, có tính khả thi đồng thời nhằm đảm bảo kịp thời, đồng bộ về nhân sự cũng như sự ổn định của bộ máy theo quy hoạch và hướng tới Đại hội Đảng các cấp, bầu cử HĐND và Quốc hội theo nhiệm kỳ, do đó, thời điểm có hiệu lực như trong Dự thảo Nghị quyết là phù hợp.

Đề án thí điểm và không vi hiến

Tại phiên thảo luận, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu làm rõ nhiều nội dung mà các đại biểu còn băn khoăn.
Đại biểu Hoàng Trung Hải cho biết, việc xây dựng đề án thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội xuất phát từ nhu cầu của TP. Là đô thị phát triển nhanh, TP mong muốn xây dựng hệ thống chính quyền gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn và đáp ứng các yêu cầu của người dân tốt hơn.

Nhắc lại ý kiến một số đại biểu Quốc hội đặt vấn đề là liệu đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có vi hiến hay không? - Đại biểu Hoàng Trung Hải nêu rõ: Khi xây dựng Đề án này, ngay từ đầu thành phố đã rất quan tâm đến việc thực hiện thí điểm có bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo cũng như lấy ý kiến của các nhà luật học, các nhà quản lý. Qua đó cho thấy đề án là đề án thí điểm và không vi hiến. Đây cũng là nội dung được khẳng định trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

“Ủy ban Pháp luật cũng đã rất cân nhắc vấn đề này. Như tôi đã nêu, việc chuẩn bị đề án thí điểm công phu, lấy nhiều ý kiến của các cơ quan. Nếu nội dung đề án được các cơ quan kết luận là vi hiến thì chúng tôi không làm tiếp”, Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.

Đồng tình với ý kiến đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) và một số đại biểu đã phát biểu, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khẳng định, đây là nhu cầu thực sự của các địa phương chứ không phải chỉ riêng Hà Nội.

Các địa phương đều mong muốn thí điểm mô hình quản lý theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn. Về việc thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND tại cấp phường thuộc quận, thị xã theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội, theo tổng kết, các địa phương đều thấy thành công. Về việc thực hiện nội dung thí điểm, Bộ Nội vụ sẽ có tiếp thu sau.

"Về cơ bản, việc thực hiện thí điểm là hết sức cần thiết. Nhờ thí điểm, chúng ta mới rút ra được kinh nghiệm, tìm ra mô hình quản lý tốt. Nếu chúng ta không thí điểm sẽ không tìm ra được mô hình mới", Đại biểu Hoàng Trung Hải bày tỏ.

Như đại biểu Phùng Quang Hùng (Đoàn Cao Bằng) đã nêu, mô hình chính quyền của một số quốc gia phát triển cũng sử dụng chính quyền 3 cấp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, không làm mất quyền dân chủ của người dân. Người dân đã được HĐND cấp quận đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình.