Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc: Những mảnh ghép đang dần hoàn thiện

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những chuyển động tại khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc trong thời gian gần đây cho thấy các khu đô thị vệ tinh của Hà Nội không còn nằm “bất động” trên giấy mà dần hiện hữu để từ đó chia sẻ gánh nặng dân số với đô thị trung tâm.

Bức tranh đã có mảng màu sáng
Theo định hướng quy hoạch chung của Thủ đô, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm hạt nhân và 5 khu đô thị vệ tinh tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, cùng các thị trấn sinh thái và vùng nông thôn.
Trong đó, siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc có quy mô lên tới hơn 17.000ha được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của Thủ đô. Đây được định hướng là đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật nhằm giảm tải cho đô thị trung tâm.
Khu đô thị Vệ tinh Hòa Lạc.
Là đô thị khoa học công nghệ nơi tập trung trí tuệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời là đô thị nghỉ dưỡng sinh thái, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội trên cơ sở gắn kết địa hình tự nhiên cùng hệ thống không gian cảnh quan Ba Vì - Đồng Mô và hệ thống sông Tích.
Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc được chia làm 4 phân khu chuyên biệt bao gồm: Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc; Khu Đại học quốc gia; Khu đô thị sinh thái; Khu tổ hợp y tế. So với những phân khu còn lại, khu CNC Hòa Lạc là một phân khu quan trọng trong khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc nói riêng và của TP Hà Nội nói chung. Đây sẽ là nơi ươm mầm khởi nghiệp CNC và thu hút những chuyên gia hàng đầu đến sinh sống và làm việc.
Đến thời điểm hiện tại, đây cũng là phân khu đang có sự phát triển mạnh mẽ nhất khi hàng loạt tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư xây dựng nhà máy như Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản), Trung tâm Nghiên cứu và kiểm thử DT&C (Hàn Quốc), Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Công ty FPT…
Đặc biệt, mới đây, Tập đoàn VinGroup đã chuyển toàn bộ tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh giai đoạn 1 từ Khu công nghiệp Đình Vũ về Khu CNC Hòa Lạc. Điều này khiến khu vực sẽ phát triển sầm uất trong thời gian tới đây khi kéo theo hàng loạt các dịch vụ phụ trợ ra đời.
Hiện tại, hạ tầng khung của khu CNC Hòa Lạc đã hoàn thiện bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và nguồn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 450 triệu USD, trong đó nguồn vốn ODA của Nhật Bản khoảng 400 triệu USD. Trong đó, Khu phần mềm quy mô 76ha, Khu nghiên cứu và phát triển 229ha, Khu công nghiệp công nghệ cao gần 550ha, Khu dịch vụ tổng hợp khoảng 87,5ha và khu nhà ở… Dự án phát triển hạ tầng khu CNC Hòa Lạc được xem là điều kiện quan trọng nhất để Khu công nghệ cao Hòa Lạc bước sang một trang mới tạo tiền đề phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Nhờ lực hút đầu tư
Trong khoảng một vài năm qua, đô thị vệ tinh Hòa Lạc bắt đầu có sự chuyển biến rất tích cực về tiến độ triển khai. Cơ sở hạ tầng được quy hoạch và đầu tư bài bản, hiện đại về cơ bản đã hoàn thành. Vì thế, gần đây dòng vốn từ các tập đoàn lớn đổ mạnh vào đây để xây dựng các nhà máy, kéo theo việc làm gia tăng đáng kể.
Phối cảnh khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Bên cạnh đó, việc xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông đã và đang dần hoàn thiện khiến việc di chuyển tới khu vực này ngày càng thuận lợi. Về hệ thống đường bộ đã có trục Đại lộ Thăng Long, QL32, cùng việc bố trí các tuyến xe buýt đi lại giữa trung tâm TP và Hòa Lạc. Ngoài ra, chuẩn bị mở rộng tuyến QL21A, tổng chiều dài 29,3km, sẽ đưa vào khai thác từ năm 2023.
Quy hoạch đến 2030 và tầm nhìn 2050 cũng sẽ có nhiều tuyến đường nối trung tâm với đô thị vệ tinh như trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì (đoạn Vành đai 4 đến Hòa Lạc)… Các tuyến đường sắt sẽ có các tuyến Hòa Lạc - Văn Cao, Hòa Lạc - Sơn Tây, Hòa Lạc -Xuân Mai. Trong đó, tuyến Hòa Lạc - Văn Cao đã được Tập đoàn VinGroup đấu thầu theo hình thức BT và triển khai vào năm 2023.
Có được sự thay đổi lớn này là bởi sau Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và Phát triển" tổ chức giữa năm 2018, với bản nghi nhớ đầu tư cho khu CNC và các tỉnh lân cận lên tới 70.000 tỷ đồng, đã dấy lên một làn sóng thu hút dòng vốn đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc. Theo đánh giá của giới chuyên gia, với tốc độ đầu tư đang gia tăng mạnh mẽ thì chỉ khoảng 2 - 3 năm nữa khu vực này sẽ lấp đầy các nhà máy.
Tuy nhiên, để các dự án được hình thành có thể vận hành, khai thác hiệu quả nhất, TS. KTS Hoàng Hữu Phê - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần phải có phương án tổ chức thực hiện quy hoạch tốt nhất.
Hiện nay, khu vực này đã có DN vào đầu tư, sắp tới sẽ hình thành các khu đô thị có nhà ở, nhưng phải bám sát đúng chức năng, mục đích hình thành của “siêu đô thị” này, đó là trung tâm của khoa học, công nghệ cao, bao gồm: Nghiên cứu, đào tạo và sản xuất; kèm theo đó là các loại hình dịch vụ khác như y tế, nghỉ ngơi - giải trí... Trong đó phải đặc biệt chú tâm đến vấn đề đưa nơi đây trở thành một trung tâm đào tạo mới, với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.
“Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi hình thành các “siêu đô thị” lại nhanh chóng thất bại do không có người ở. Vì vậy, trước khi biến nơi đây thành một đô thị chức năng như kỳ vọng hãy làm cho nó trở thành một trung tâm đào tạo” - ông Hoàng Hữu Phê nói.
Có thể thấy, được quy hoạch đồng bộ chi tiết, cùng với sự thúc đẩy xây dựng và thu hút đầu tư của Chính phủ và TP Hà Nội vào phân khu CNC, đô thị vệ tinh Hòa Lạc đang từng bước hiện diện rõ nét hơn.

"Tại khu CNC Hòa Lạc đã có 90 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 85.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư 6.895 tỷ đồng" - Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc


"Việc triển khai Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc không chỉ riêng TP Hà Nội mà phải kết hợp với Bộ Quốc phòng vì khu vực có rất nhiều dự án liên quan đến an ninh quốc phòng. Do đó, trong quá trình thực hiện sẽ phải xem xét để hài hòa giữa việc vừa phát triển đô thị, vừa bảo đảm giữ vững an ninh quốc phòng. Đến thời điểm hiện nay, Sở QH - KT Hà Nội đã trình Bộ Xây dựng hai lần và Bộ đang tổ chức thẩm định lần cuối để trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc" - Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh.