Khu vực dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Thủ đô

Khánh Phong
Chia sẻ Zalo

Theo Cục thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2023 của Hà Nội ước tính đạt 185,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với quý trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành dịch vụ là điểm sáng góp phần tăng trưởng chung của Thủ đô.  
Các ngành dịch vụ là điểm sáng góp phần tăng trưởng chung của Thủ đô.  

Theo Cục thống kê Hà Nội, quý II/2023, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Thành phố. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 10,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2023 ước tính đạt 185,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với quý trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 235,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng mức và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước (lương thực, thực phẩm tăng 11%. Đá quý, kim loại quý tăng 10,4%. Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,8%. Ô tô tăng 8,7%. Xăng dầu tăng 7,8%. Hàng may mặc tăng 7,8%. Hàng hóa khác tăng 18,3%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 46,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng mức và tăng 10,5% (dịch vụ lưu trú đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,2% và tăng 30,6%. Nhà hàng đạt 42,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% và tăng 8,9%).

Doanh thu du lịch lữ hành đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,4% và gấp 2,1 lần cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác đạt 77,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,1% và tăng 5,1% (nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 23,1%; hành chính, văn phòng tăng 13,1%. Kinh doanh bất động sản tăng 8,5%. Y tế tăng 8,2%. Giáo dục và đào tạo tăng 7,4%).

Theo UBND TP Hà Nội, để thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và thương mại điện tử, Hà Nội đã khởi công xây dựng chợ thương mại dịch vụ Bích Hòa (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai). Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 03 trung tâm thương mại (TTTM Aeon Mall Hoàng Mai Giáp Bát; TTTM Lotte Mall Tây Hồ và TTTM Parkcity) và thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh hiện đại (máy bán hàng tự động tại địa điểm công cộng; mô hình Outlet), đề xuất 01 vị trí đầu tư xây dựng khu Outlet tại tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (Đoạn 1) với diện tích khoảng 39,45 ha; đẩy nhanh đầu tư Trung tâm thương mại Aeon Mall tại quận Bắc Từ Liêm; vận hành gian hàng số trên sàn thương mại điện tử https://postmart.vn/...

Theo UBND TP Hà Nội, thời gian tới, TP tiếp tục củng cố và phát huy cao nhất các động lực tăng trưởng của xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư, bên cạnh việc tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi và phát huy động lực tăng trưởng của xuất khẩu.., Hà Nội sẽ tiếp tục củng cố và phát huy tiêu dùng nội địa - một động lực quan trọng của tăng trưởng.

Trong đó, tập trung phát triển mạnh và phát huy vai trò của thị trường trong nước; thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. Đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Chương trình tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá và kết nối cung- cầu hàng hóa. Tổ chức các hội chợ, phiên chợ hàng Việt… Rà soát địa điểm, phát triển mới từ 20-30 điểm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Tổ chức các lớp tập huấn về thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển và quản lý thương mại điện tử; tăng cường quản lý chợ, rà soát các tiêu chí đáp ứng tiêu chuẩn văn minh thương mại; ...

Đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường du lịch, trong đó khai thác hiệu quả các thị trường khách quốc tế. Tăng cường quảng bá, xúc tiến, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch bền vững. Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Đẩy nhanh tiến độ số hoá các điểm đến du lịch...