Khu vực nào vượt Kim Liên trở thành nơi có chất lượng không khí tốt nhất nội thành?

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua ghi nhận, TP Hà Nội cùng các tỉnh miền Bắc trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm, đặc biệt gay gắt, tuy nhiên chất lượng không khí tại Thủ đô vẫn được cải thiện. Đặc biệt, có khu vực chỉ số AQI đo được 100% đạt mức tốt.

 Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cung cấp
Chỉ số AQI đạt mức tốt tăng cao
Theo chỉ số chất lượng không khí (CLKK) AQI đo được tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô Hà Nội từ 15h ngày 7/7 đến 14h ngày 8/7/2018, nhìn chung, CLKK trong ngày tại các điểm quan trắc ở mức trung bình, một số điểm quan trắc CLKK khu vực dân cư ở mức tốt.

Cụ thể, các trạm: Trung Yên 3: 50 (Tốt); Minh Khai - Bắc Từ Liêm: 74 (Trung bình); Hoàn Kiếm: 48 (Tốt); Hàng Đậu: 67 (Trung bình); Kim Liên: 43 (Tốt); Thành Công: 52 (Trung bình); Tân Mai: 50 (Tốt); Mỹ Đình: 49 (Tốt); Phạm Văn Đồng: 77 (Trung bình); Tây Mỗ: 54 (Trung bình).

So với hôm qua chỉ số AQI biến động không nhiều, những khu vực giữ được CLKK mức tốt là Trung Yên 3; Kim Liên; Tân Mai; Mỹ Đình. AQI trạm Hoàn Kiếm từ 60 xuống 48, đạt mức tốt, trong khi đó trạm Tây mỗ tăng nhẹ, từ 46 (tốt) lên 54 (trung bình). Chỉ số cao nhất trong hôm nay thuộc về trạm quan trắc giao thông hướng ra ngoại thành Phạm Văn Đồng (77).

Tính chung tuần thứ nhất đầu tháng 7/2018 (từ 1/7 đến 7/7), phần lớn CLKK đạt mức trung bình, và số ngày có chất lượng tốt tăng cao. AQI dao động trong khoảng 40 - 94. Có sự chênh lệch giữa các trạm quan trắc giao thông và các trạm quan trắc nền đô thị, chỉ số AQI trong tuần này không biến động nhiều so với tuần trước, luôn đạt mức tốt và trung bình ở tất cả các trạm.

Tại 2 điểm quan trắc CLKK giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, tuy nhiên trong tuần này đạt chất lượng khá tốt, 100% số ngày có AQI đều ở mức trung bình. Chỉ số AQI cao nhất trong tuần tại 2 điểm quan trắc này là 94 và 78, nồng độ bụi PM2.5 trung bình ngày cao nhất tuần qua tại hai trạm này lần lượt là 44.7 µg/m3 và 40.29 µg/m3, thấp so với giới hạn cho phép của QCVN 05:2009/BTNMT là 50 µg/m3 và không có bất kỳ chỉ tiêu quan trắc nào trong 2 khu vực này vượt giới hạn cho phép.

Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên, Kim Liên và Mỹ Đình, Tân Mai, chất lượng không khí trong tuần qua có chuyển biến rõ rệt, chỉ số AQI có khá nhiều ngày đạt mức tốt. Cụ thể khu vực Tân Mai số ngày AQI tốt đạt 100%, trong khi đó Trung Yên và Kim Liên là 71.4%, Mỹ Đình là 42.9% và Tây Mỗ là 28.6%, không có bất kỳ chỉ tiêu quan trắc nào trong những khu vực này vượt giới hạn cho phép.

Các điểm quan trắc giao thông nội thành là Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, AQI luôn ở mức trung bình. Chỉ số AQI của 3 địa điểm này gần như không có biến động nhiều so với những chỉ số được ghi nhận của tuần trước đó. Trạm Hoàn Kiếm đã có 1 ngày AQI đạt mức tốt (ngày 5/7).
Đốt rơm rạ gây ảnh hưởng xấu đến CLKK Thủ đô. Ảnh minh họa
Giảm thiểu nguồn ô nhiễm từ đốt rơm rạ

Trong tuần qua ghi nhận TP Hà Nội cùng các tỉnh miền Bắc trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm, đặc biệt gay gắt, với nền nhiệt trung bình cao nhất dao động từ 37 - 40 độ C. Cho đến 2 ngày cuối tuần, nắng nóng chấm dứt, trời nhiều mây có mưa rào và dông vài nơi.

Có thể thấy, trong tuần này nền nhiệt độ tăng cao đã tạo điều kiện thuận lợi để các chất thải, khói, bụi khuếch tán lên các tầng khí quyển cao hơn, bề mặt đô thị cũng sạch hơn giúp cho không khí xung quanh ở gần mặt đất chứa ít các chất gây hại tới sức khỏe con người và có chất lượng tốt hơn, do đó CLKK của các khu vực tốt lên và duy trì ở dưới mức trung bình, đặc biệt trạm quan trắc Tân Mai luôn duy trì ở mức tốt trong tuần qua và nhiều khu vực khác cũng có AQI ở mức tốt khá cao.

Thêm vào đó, đây là quãng thời gian tại Thủ đô học sinh, sinh viên được nghỉ hè, các phương tiện giao thông được điều tiết tốt hơn, gián tiếp giảm thiểu các tác động tới từ các hoạt động giao thông hàng ngày. Trong thời gian hiện tại và sắp tới, khi Hà Nội bước vào mùa mưa, CLKK cũng sẽ được cải thiện tốt hơn nữa và tỷ lệ số ngày AQI ở mức tốt có thể sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, TP cũng đang mùa thu hoạch lúa nên khu vực ngoại thành đã có nhiều hộ gia đình đốt rơm rạ. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng môi trường không khí.

Theo ghi nhận của PV báo Kinh tế & Đô thị, nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Oai, cao tốc Nội Bài - Hà Nội, Gia Lâm… liên tục bị bao phủ bởi khói bụi tỏa ra từ việc đốt đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa. Lượng khói bụi trên theo hướng gió sẽ theo vào khu vực các quận nội thành, ảnh hưởng đến chỉ số đo tại các trạm quan trắc.

Số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, đối với rơm rạ, hiện các địa phương đang đốt bỏ khoảng 36,4% tổng lượng phát sinh. Việc này không chỉ gây lãng phí, theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, việc đốt rơm rạ nói riêng, phụ phẩm nông nghiệp nói chung còn tạo ra nhiều khí thải độc hại như CO2, CO, CH4, N2O, SO2… Trong đó, chiếm chủ yếu là CO2 với ước tính phát thải lên tới 273.000 tấn/năm. Cùng với đó là khoảng 6.500 tấn CO, 2.400 tấn bụi bay vật chất dạng hạt. Khí thải gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, cản trở tầm nhìn giao thông, đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân.

Để hạn chế tình trạng trên, ngày 13/6, Sở TN&MT TP đã ban hành văn bản đề nghị các UBND các quận, huyện và thị xã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc đốt rơm, rạ trên cánh đồng ruộng, không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa, đốt rơm rạ trên đường giao thông. Vận động người dân cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm bừa bãi, không xả rơm rạ xuống kênh tưới tiêu. Xử lý kịp thời và kiên quyết các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Về tổng quan, Hà Nội đã triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” trên địa bàn TP, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trực tiếp tại cánh đồng để làm phân bón hữu cơ.