Khủng hoảng bất động sản lan rộng khắp châu Âu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần lớn những quốc gia châu Âu chịu tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng bất động sản lại là các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực

Khủng hoảng nhà ở ngày càng trầm trọng

Số lượng giấy phép xây dựng mới tại Anh dự kiến ​​sẽ giảm hơn 25% trong năm nay. Ảnh: Bloomberg
Số lượng giấy phép xây dựng mới tại Anh dự kiến ​​sẽ giảm hơn 25% trong năm nay. Ảnh: Bloomberg

Tại thành phố Dusseldorf của Đức, gia đình Milena và Manuel David đã lên kế hoạch khởi công xây dựng căn nhà mới vào mùa Hè vừa qua.

Tuy nhiên, sau khi hai vợ chồng người Đức nhận được giấy phép xây dựng sau 16 tháng chờ đợi, mức lãi suất thế chấp đã tăng gấp 3 lần và chi phí xây dựng ngôi nhà mới dự kiến tăng thêm tới 85.000 euro (90.000 USD). Họ buộc phải hoãn kế hoạch ngôi nhà mơ ước trong nhiều năm do cuộc khủng hoảng xây dựng tồi tệ nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ gần đây.

Tình cảnh khó khăn như gia đình David không còn là trường hợp hiếm tại châu Âu trong năm nay.

Đặc biệt hơn, phần lớn những quốc gia châu Âu chịu tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng bất động sản lại là các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực. Cụ thể, số lượng giấy phép xây dựng nhà ở tại Đức đã giảm hơn 27% trong 6 tháng đầu năm nay, còn tại Pháp là 28% tính đến tháng 7. Tại Vương quốc Anh, số lượng giấy phép xây dựng mới dự kiến ​​sẽ giảm hơn 25% trong năm nay.

Lĩnh vực bất động sản của Thụy Điển cũng đang trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng những năm 1990 khi tỷ lệ xây dựng nhà ở mới hiện chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của người dân.

Giá tiêu dùng tăng mạnh do hậu quả của xung đột Nga - Ukraine đã buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh chi phí thế chấp lên cao và từ đó kéo giá bất động sản cũng như tỷ suất lợi nhuận của các dự án xây dựng giảm xuống.

Các nhà phát triển bất động sản tại châu Âu cũng đang phải chịu chi phí nguyên liệu thô cao hơn, một vấn đề đã bắt đầu từ thời kỳ đại dịch nhưng càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng từ xung đột ở Ukaine.

Các chuyên gia kinh tế nhận định cuộc khủng hoảng bất động sản hiện tại đang là lực cản đối với đà tăng trưởng kinh tế của các nước châu Âu và có nguy cơ gây ra những bất ổn xã hội.

Theo tờ Bloomberg, hai vợ chồng David ở Thành phố Dusseldorf của Đức vẫn không đủ khả năng tài chính để xây dựng nhà ở mới dù họ đang có công việc, thu nhập ổn định, và quan trọng nhất là họ được bố mẹ tặng mảnh đất. Hoàn cảnh trớ trêu như gia đình David cho thấy những tác động nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng bất động sản đối với người dân các nước châu Âu.

“Chúng tôi đã gặp nhiều trở ngại trong việc xây nhà mới dù đã được hỗ trợ rất nhiều. Với những người lao động khác thì có lẽ họ khó có thể vượt qua được” – chị Manuel chia sẻ thêm.

Làn sóng phá sản trong ngành bất động sản

Không chỉ ảnh hưởng đến các dự án nhà ở riêng lẻ, hàng loạt các doanh nghiệp nhà ở lớn tại châu Âu cũng đang đối mặt thách thức. Vonovia SE, tập đoàn bất động sản hàng đầu của Đức, gần đây đã quyết định tạm dừng vô thời hạn nhiều dự án. Tại Anh, khoảng 45.000 công ty xây dựng nhà ở đã đóng cửa trong 5 năm qua.

Riêng tại Thụy Điển, đã có khoảng 1.145 công ty trong ngành xây dựng đã nộp đơn xin phá sản trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 35% so với  cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Creditsafe.

Cuộc khủng hoảng nhà ở cũng khiến chính phủ nhiều nước châu Âu khó có thể hiện thực hóa những cam kết với cử tri. Chính phủ Thụy Điển hứa cung cấp nhà ở giá rẻ cho người dân, song tình trạng khan hiếm căn hộ cho thuê trong nhiều thập kỷ đã đẩy giá nhà tăng cao và buộc nhiều người phải chấp nhận thuê nhà với giá “cắt cổ”.

Giới chức Anh hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu xây dựng mới 300.000 ngôi nhà mỗi năm do chính phủ cam kết vào năm 2019.

Còn tại Đức- nền kinh tế lớn nhất EU, phát triển nhà ở giá rẻ là một trong những cam kết quan trọng được liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra khi lên nắm quyền vào năm 2021. Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo chính quyền Berlin khó có thể đạt được kế hoạch xây dựng 400.000 ngôi nhà mới mỗi năm cho đến năm 2026.

Các nước châu Âu đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn của lĩnh vực bất động sản. Đảng Lao động Anh đã cam kết thực hiện gói cải cách mới xây dựng mới khoảng 1,5 triệu ngôi nhà trong nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo. Chính phủ Bồ Đào Nha đặt mục tiêu đẩy mạnh các dự án nhà ở và đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng.

Chính quyền Berlin cũng cam kết đơn giản hóa các quy định xây dựng và tăng cường đầu tư công trong lĩnh vực bất động sản.Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cảnh báo rằng, những đề xuất này của Chính phủ Đức vẫn chưa đủ.

Wolfgang Schubert-Raab - Chủ tịch Hiệp hội xây dựng ZDB, cho biết: “Thay vì thực hiện các dự án mới, các nhà phát triển bất động sản sẽ chờ đợi thêm những khoản trợ cấp mới có thể còn lớn hơn trong năm tới do tình hình thị trường được dự báo sẽ ảm đạm hơn”.