Khủng hoảng nguồn cung, dầu thô ghi nhận tuần tăng giá mạnh

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại về một cuộc khủng hoảng nguồn cung nếu EU áp lệnh cấm vận dầu Nga, bất chấp nhu cầu tiêu thụ dầu khan hiếm và đồng USD ở mức cao nhất 20 năm, dầu thô ghi nhận tuần tăng giá mạnh.

Khép tuần giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 108,3 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 111,19 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phân tích của các chuyên gia, bước vào tuần giao dịch từ ngày 9/5, giá dầu thô có xu hướng giảm mạnh khi thị trường ghi nhận khả năng EU sẽ “miễn” cho Hungary và Slovakia trong trường hợp EU áp lệnh cấm vận đối với dầu thô Nga.

Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu cũng được dự báo khó khăn khi nhiều dự báo cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm khi nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất.

Việc giảm giá bán dầu thô Arab Light của Ả-Rập Xê-út cho các nước châu Á, châu Âu cũng tạo áp lực khiến giá dầu đi xuống.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 9/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 109,76 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 111,86 USD/thùng.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô ngày một lớn khi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu suy giảm ngày một lớn.

Hoạt động thương mại của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, được ghi nhận lao dốc mạnh trong tháng 4/2022 khi nhu cầu toàn cầu suy giảm và Thượng Hải cũng như nhiều trung tâm công nghiệp khác đã phải đóng cửa do các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt.

Theo dữ liệu được công bố ngày 9/5, xuất khẩu trong tháng 4/2022 của Trung Quốc chỉ tăng 3,7%, giảm mạnh so với mức tăng 15,7% của tháng 3.

Nhập khẩu của Trung Quốc cũng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn rất nhiều so với con số thống kê của tháng trước đó. Riêng dầu thô, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022 đã giảm tới 4,8% so với một năm trước đó.

Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đang ngày một lớn khi hầu hết các thị trường đang đứng trước lo ngại về một đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước nhằm kiềm chế lạm phát.

Giá dầu thô tiếp tục giảm liên tiếp trong 2 ngày 10 và 11/5. Tuy nhiên, khi những lo ngại về một cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng “nóng” lên trước khả năng EU sớm áp lệnh cấm vận dầu thô Nga và Mỹ công bố kế hoạch mùa 60 triệu thùng dầu để bổ sung vào kho dự trữ được phát đi.

Bên cạnh đó, kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc được cải thiện mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát và việc Mỹ gỡ bỏ các biện pháp thuế quan với hàng hoá Trung Quốc sẽ thúc đẩy sản xuất... cũng hỗ trợ giá dầu tăng vọt.

Lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày một lớn hơn khi Nga tuyên bố sẽ dừng đưa khí đốt sang châu Âu qua đường ống Yamal. Nga cũng đã quyết định ngừng bán khí đốt cho Bulgaria do Sofia từ chối cơ chế thanh toán mới dựa trên đồng rúp của Moscow.

Trước đó, Nga đã ban lệnh trừng phạt một số công ty nước ngoài, trong đó có EuRoPol Gaz, bên sở hữu đoạn đường ống nằm trong Ba Lan của tuyến Yamal.