Kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt - Bài 1: Cởi nút thắt vô ý thức

Nhà văn Nguyễn Văn Học
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù TNGT đường sắt diễn ra thường xuyên, các phương tiện truyền thông cũng ra rả nói về ý thức của người dân sống cạnh đường tàu và đi qua đường ngang dân sinh quá kém, song đến nay, vẫn chưa mấy thay đổi.

 Chỉ khi nào cởi được nút thắt vô ý thức này mới mong kiềm chế được những hệ lụy đau lòng.
Đùa giỡn với tử thần
Đùa giỡn, hóng mát, sửa xe máy, làm đồ gỗ, trồng cây… trên đường sắt. Tại sao người dân lại có thể ứng xử một cách vô lý như thế, trong khi đường sắt là nơi dành riêng cho tàu hoạt động, không được xâm phạm. Đáng lo hơn, thực tế tại tuyến đường sắt chạy song song với QL1 (địa phận Hà Nội) từ khu vực phố Lê Duẩn, ga Văn Điển, ga Tía, ga thị trấn Phú Xuyên, người dân tự ý xé rào sắt mở đường ngang, có hộ bắc cầu gỗ qua đường sắt và rào chắn để vận chuyển đồ đạc, buôn bán. Những hình ảnh đó không chỉ gây xấu xí, vi phạm trật tự ATGT, mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người, tài sản.

Vi phạm an toàn giao thông đường sắt tại phố Khâm Thiên. Ảnh: Nguyễn Văn Học

Lái tàu Nguyễn Cảnh Dương (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội), người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề phải thốt lên: “Đúng là quá nguy hiểm. Quá nhiều người dân đùa giỡn với tử thần, thậm chí có thanh niên bất chấp còi tàu, vượt xoẹt qua trước đầu tàu. Những pha như thế khiến chúng tôi thót tim. Nhiều vụ tai nạn do trẻ em và thanh niên nghịch dại, một số do bất cẩn, chủ quan. Có khi lái tàu nhìn thấy từ xa đã kéo còi, nhưng khi tàu sát tới nơi, người bố mới kéo đứa trẻ ngồi chơi ở trên đường ray ra”.
Khi tìm hiểu thực tế tại nhiều điểm gác chắn, nơi có đường sắt đi qua, chúng tôi ghi nhận một thực trạng đáng lo hơn là khi người dân đi qua không tuân thủ gác chắn cảnh báo tự động, nhân viên trực gác chắn. Anh Nguyễn Huy Tâm, làm việc tại gác chắn nút Km35+ 637 thuộc thôn An Khoái (huyện Phú Xuyên), tâm sự: “Không thể hiểu được khi người dân lại coi thường mạng sống mình, liều lĩnh đến vậy! Mặc dù cần chắn đã kéo, tàu gần đến nơi mà vẫn cố tình lách qua, thậm chí trong lúc tình thế cấp bách, chúng tôi phải để họ đâm gãy barie... Có trường hợp chúng tôi đã kéo cần xuống, họ bắt chúng tôi nhấc lên cho họ đi, không làm thì bị mắng chửi”.
Chung nỗi bức xúc, anh Nguyễn Hữu Dư, thuộc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 1 Hà Nội, làm nhiệm vụ tại gác chắn đường ngang chùa Đậu - Mễ Sở (huyện Thường Tín) cho biết: “Anh cứ đứng ở đây thì thấy, cả người đi bộ, xe máy và người lái xe ô tô đều có những điều mà thật sự không thể hiểu được, là họ bất chấp hiệu lệnh giao thông, rào chắn để nhanh được một vài phút”.
Còn nhớ, vào sáng 13/4/2016, tàu hỏa mang số hiệu A4835 phải dừng lại đột ngột nhường đường cho xe máy trên đoạn đường giao cắt tại Km+429 QL21B, thuộc địa phận quận Hà Đông. Đây là một sự vụ điển hình về ý thức người dân kém, mà Công ty CP Đường sắt Hà Thái phải báo cáo sự việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Còn các nhân viên gác chắn cho biết, tại điểm này, người dân thường xuyên vượt rào, thể hiện ý thức rất kém.
Phải phạt nặng để răn đe
Phải khẳng định đường tàu đi qua trung tâm Thủ đô đã trở thành hình ảnh tạo dấu ấn lịch sử. Nhưng những cung đường sắt qua Hà Nội vẫn chưa được quản lý tốt, từ khâu đầu tư hạ tầng kỹ thuật đường sắt đến việc đầu tư xây dựng và quản lý đường ngang dân sinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tuyên truyền để người dân ý thức hơn khi đi qua các đường ngang dân sinh, nhất là người dân sống ở các thôn xóm cạnh đường ngang dân sinh. Một giải pháp khác là phải “bịt” được những đường ngang dân sinh tự phát, như ở huyện Thường Tín, Phú Xuyên với hàng trăm đường ngang dân sinh.
Là cán bộ cơ sở, ông Bùi Công Thản - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín, nêu lên một thực trạng: Tổng chiều dài đường sắt qua huyện là hơn 17km, có trên 160 đường ngang và lối đi dân sinh, trong đó chỉ có 26 đường ngang được cấp phép, 30 đường ngang không được cấp phép nhưng không thể xóa được. Vì sao vậy? Ông Thản nói: “Nếu chặn hẳn đường ngang là chặn đường sống của người dân, vì một lối như vậy có rất nhiều người dân sinh sống đi qua. Hiện nay, người dân sống bám vào QL, bám vào đường sắt, nên hiển nhiên người dân sống chung với nguy hiểm ở ngay nơi mình sinh sống”.
Vậy liệu có cách nào khác giảm thiểu đường ngang dân sinh? Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín cho hay: Có những vị trí, chúng tôi đề xuất được cấp phép và gác chắn, nhưng Bộ GTVT chưa đồng ý. UBND huyện Thường Tín cũng đề xuất làm đường gom dân sinh song song với đường sắt, quy tụ các đường ngang nhỏ rồi bố trí cảnh giới, nhưng cấp trên còn đang xem xét. Những việc khác thật sự ngoài tầm của huyện, trách nhiệm chính vẫn thuộc ngành đường sắt.
Trước mắt, khi kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông còn thiếu, Đại tá Dương Văn Tần - Trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức công tác bảo đảm ATGT đường sắt (Cục CSGT) nêu giải pháp: “Cần tiếp tục phối hợp tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ và hành vi vi phạm thường xảy ra TNGT, nhất là tại nơi đường bộ giao nhau cùng đường sắt bằng các hình thức treo băngrôn, panô; clip tuyên truyền ở các nhà ga, trên truyền hình, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người dân, nhất là người sống ven đường sắt, học sinh, công nhân, đơn vị gần đường sắt. Lực lượng CSGT sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; giải tỏa công trình vi phạm hành lang an toàn, khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông đường sắt”.
Cũng có nhiều đề xuất phải phạt nặng những người vi phạm ATGT đường sắt từ 50.000 - 1.200.000 đồng. Nếu làm hỏng cần chắn, rào chắn sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Bởi tuyên truyền không được thì đánh mạnh vào kinh tế, nhiều người sống cạnh đường sắt, người tham gia giao thông sẽ bớt vi phạm, nút thắt về sự vô ý thức mới được gỡ dần, giảm thiểu thiệt hại về TNGT đường sắt.
Nên vận động người dân tự nguyện tham gia cảnh giới nơi đường ngang, tiến cử họ vào công tác vận động, tuyên truyền phổ biến pháp luật, gắn trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với cán bộ để phát sinh đường ngang trái phép.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng
            (Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần