Kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy”, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về kiểm điểm, đánh giá tình hình, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 diễn ra ngày 27/11/2023..

11 tháng giải ngân vốn đầu tư công đạt 65%

Số liệu từ Bộ KH&ĐT cho biết, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương giải ngân thấp hơn nhiều so với mức chung cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm giải ngân đầu tư công ít nhất 95% kế hoạch được giao. Ảnh VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm giải ngân đầu tư công ít nhất 95% kế hoạch được giao. Ảnh VGP

Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình và yêu cầu các cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng nhấn mạnh, còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện, còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công một số dự án còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt, kịp thời.

Bên cạnh đó, vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất, chủ yếu là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.

Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, quản lý khoáng sản và vật liệu thông thường, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Tính linh hoạt của việc giao chủ quản, điều tiết ngân sách giữa địa phương với địa phương, giữa địa phương và Trung ương (như giao địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phường này hỗ trợ cho địa phương khác; giao địa phương làm chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan Trung ương trên địa bàn…); thiếu các hướng dẫn cụ thể đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ...

Có tình trạng thiếu đất, cát và nguyên vật liệu thi công, nhất là thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Quyết tâm giải ngân ít nhất 95%

Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2023 của Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện, văn bản để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. (Ảnh: VGP)
Hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. (Ảnh: VGP)

Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân đầu tư công ngay từ tháng 2/2023; các cuộc họp Thường trực Chính phủ, phiên họp Chính phủ thường kỳ đều có nội dung về đầu tư công.

Đồng thời, duy trì hoạt động của 5 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ; lập 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.

Các tổ công tác đã làm việc với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp trên tinh thần tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn", đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng nêu rõ, chỉ còn 35 ngày nữa là kết thúc niên độ ngân sách Nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn khá lớn (còn khoảng 247.000 tỷ đồng).

Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để "không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy", phát huy tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.

Cụ thể, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm (đặc biệt là về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…)

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, dẫn tới dự án kéo dài, đội vốn, lãng phí.

Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công, nhất là trong công tác thẩm định, giao vốn, kiểm soát chi; đồng thời, tăng cường hậu kiểm.

Các Tổ công tác tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.