Kiểm soát chặt kinh doanh trái cây

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội, trong tháng 12/2017, các quận nội thành sẽ tổ chức gắn logo nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn.

Mỗi quận có một tuyến phố kiểu mẫu, không kinh doanh trái cây tại vỉa hè, lòng đường. Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với UBND các quận để triển khai các nội dung này.
Gắn biển nhận diện cho các cửa hàng trái cây an toàn

Ngày 29/11, quận Cầu Giấy đã chính thức gắn logo nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn cho 6 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn. Đây là 6 cửa hàng đầu tiên được gắn logo theo tiêu chí của Đề án. Ngày 14/12, UBND quận Thanh Xuân đã tổ chức gắn biển nhận diện cho 6 cửa hàng kinh doanh trái cây, UBND quận Ba Đình gắn biển nhận diện cho 4 cửa hàng. Dự kiến trong tháng 12 này, tất cả các quận nội thành sẽ đều có các cửa hàng được gắn logo nhận diện kinh doanh trái cây an toàn. Theo đó, UBND các quận sẽ phối hợp với Sở Công Thương tiến hành kiểm tra hồ sơ và điều kiện thực tế tại các cửa hàng để làm căn cứ cấp biển nhận diện.

Lãnh đạo quận Ba Đình tổ chức gắn biển tại cửa hàng số 95 Văn Cao. Ảnh: Công Trình

Ông Bùi Thế Dũng - Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng hoa quả Luôn tươi sạch – đơn vị sở hữu cửa hàng đã được gắn biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn (trên địa bàn quận Cầu Giấy) cho biết, nhằm thực hiện tốt các yêu cầu, đơn vị đã cử toàn bộ cán bộ quản lý, nhân viên đi tập huấn các nội dung của Đề án. Trên cơ sở đó, đơn vị làm việc với các nhà cung cấp, nhà nhập khẩu để bảo đảm toàn bộ các yêu cầu về giấy tờ, VSATTP… Đồng thời, thường xuyên cải tạo cơ sở vật chất cửa hàng, đáp ứng tốt nhất yêu cầu về bảo quản trái cây. Cũng theo ông Dũng, biển nhận diện này sẽ là một chứng nhận rõ ràng để người tiêu dùng có thể nhận diện các cửa hàng đảm bảo các tiêu chí về ATTP. “Khi được gắn biển nhận diện, hệ thống cam kết sẽ luôn chấp hành tốt các yêu cầu của Đề án để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất” – ông Dũng nói.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các cửa hàng được cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và tiêu chí của Đề án về ATTP: Đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, truy xuất nguồn gốc trái cây kinh doanh cả trái cây nhập khẩu và trái cây xuất xứ trong nước. Các cửa hàng được gắn logo nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn không ở gần các khu vệ sinh, khu xử lý chất thải sinh hoạt; có thiết bị vận chuyển, bảo quản trái cây theo quy định. Người kinh doanh trái cây phải đảm bảo sức khỏe theo quy định. Trái cây phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mỗi lô hàng nhập về đều có giấy tờ, hóa đơn, nhập dữ liệu về cơ sở cung cấp; đảm bảo các chỉ tiêu về tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Trái cây nhập khẩu, biến đổi gen, hữu cơ phải ghi nhãn theo quy định.

Mỗi quận một tuyến phố kinh doanh trái cây kiểu mẫu

Theo thống kê, hiện trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có tổng số 1.070 cửa hàng kinh doanh trái cây tại các khu dân cư và các tuyến phố. Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh trái cây trên địa bàn còn nhiều tồn tại. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố, khu dân cư đều nhỏ lẻ, số lượng hàng hóa ít. Người bán hàng thậm chí cũng ít chú ý đến hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng bán trái cây trên các tuyến phố, hàng hóa chưa kiểm soát được hết về nguồn gốc xuất xứ và sử dụng hóa chất quá liều lượng, hóa chất cấm...

Trước thực trạng này, Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành trực thuộc TP Hà Nội” đã đặt mục tiêu hết năm 2018, 100% cửa hàng bán trái cây tại các quận nội thành sẽ có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc thực hiện Đề án quản lý trái cây vẫn còn những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đối với các cửa hàng thuộc diện quản lý, việc đầu tư trang thiết bị là tốn kém nên sẽ được khuyến khích, thực hiện từng bước một kết hợp với tuyên truyền thay đổi thói quen của người tiêu dùng, để họ tìm đến các điểm bán hoa quả an toàn. Với các cửa hàng bán trái cây tự phát, về lâu dài cũng cần được đưa vào các chợ để đảm bảo quy định của pháp luật về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trong tháng 12/2017 này, TP sẽ triển khai thí điểm mỗi quận một tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây theo đúng quy định, sau đó nhân rộng trên toàn địa bàn quận. Hiện nay, UBND 12 quận đã đăng ký cụ thể các tuyến phố thí điểm: Phố Phan Đình Phùng - quận Ba Đình; phố Lý Thường Kiệt - quận Hoàn Kiếm; phố Tôn Đức Thắng - quận Đống Đa; phố Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng; phố Nguyễn Hoàng - Quận Nam Từ Liêm; đường Lạc Long Quân - quận Tây Hồ; phố Vũ Trọng Phụng - quận Thanh Xuân; phố Nguyễn Thị Định - quận Cầu Giấy; phố Trương Định - quận Hoàng Mai; phố Nguyễn Văn Cừ - quận Long Biên; phố Quang Trung - quận Hà Đông; đường Hoàng Quốc Việt - quận Bắc Từ Liêm. Sở Công Thương đã giao Chi cục Quản lý thị trường triển khai tới các đội Quản lý thị trường địa bàn phối hợp với các đơn vị chức năng của quận tiến hành ra quân tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến phố đã đăng ký không để hiện tượng các cửa hàng kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Sở Công Thương phối hợp với UBND các quận tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây; thường xuyên cập nhật danh sách các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn quận. UBND các quận chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn trực thuộc quận bố trí cán bộ hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ tối đa cho các hộ trong công tác đăng ký kinh doanh, xác nhận kiến thức về ATVSTP, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP/xác nhận cam kết bảo đảm ATVSTP theo quy định. Các nội dung này hoàn thành cơ bản trước tháng 3/2018.

Từ tháng 3 - 12/2018, TP sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định của pháp luật; kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP. Đồng thời, tăng cường công tác cấp biển nhận diện đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện quy định để tạo niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô.