Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu: Cẩn trọng các hiệu ứng phụ

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng ta đang tập trung cho việc thực hiện mục tiêu kép (vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội), nhưng cần phải cẩn trọng với việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội.

Khuyến cáo này xuất phát từ kết quả kiểm soát lạm phát theo mục tiêu trong 4 năm qua, mục tiêu của năm nay, diễn biến trong 2 tháng đầu năm và những yếu tố tác động đến CPI trong thời gian tới.
Mục tiêu và diễn biến
CPI bình quân năm trong thời kỳ 2016 - 2019 đạt thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (3,13% so với 4%). Việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của thời kỳ này được coi là thành công, khi vừa thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, vừa không quá thấp như năm 2015 (tăng 0,63%), vừa không quá cao như thời kỳ 2004 - 2013 (tăng 9,95%/năm).
Mục tiêu năm 2020 được đề ra tăng 4% là sự tiếp tục của thành công kiểm soát lạm phát theo mục tiêu trong thời kỳ 2016 - 2019, là kết quả của tăng trưởng cao, xuất siêu 4 năm liền…
Bước sang năm 2020, với 2 yếu tố trên thế giới tác động (dịch Covid-19 xảy ra từ Trung Quốc và sự nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn), Bộ KH&ĐT đã đưa ra 2 kịch bản về kinh tế cho cả năm. Kịch bản 1 với giả thiết dịch Covid-19 được khống chế trong quý I, kịch bản 2 với giả thiết dịch Covid-19 được khống chế trong quý II. Trong các chỉ tiêu, CPI theo kịch bản 1 thì đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội; theo kịch bản 2 thì cao hơn mục tiêu (không đạt).
CPI tháng 1/2020 so với tháng 12/2019 tăng cao (1,23%) và so với tháng 1/2019 tăng khá cao (6,43%). CPI tháng 2/2020 so với tháng 1 giảm, một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua. Hiếm thấy bởi trong 30 năm qua, CPI tháng 2 năm nay và tháng 2/2015 giảm (giảm tương ứng là 0,17% và 0,05%). Tốc độ tăng CPI so với cùng kỳ năm trước của tháng 2 thấp hơn tháng 1 (tăng 5,4% so với tăng 6,43%).
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI của tháng 1 và tháng 2 tăng cao nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ tính từ năm 2014 đến nay. CPI bình quân 2 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước đang ở mức khá cao (5,91%) và cũng cao nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ tính từ năm 2014 đến nay. Như vậy, xét về “tiến độ” thì tốc độ tăng CPI hiện cao hơn so với tốc độ tăng cả năm theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội và cao hơn theo dự báo trong 2 kịch bản của Bộ KH&ĐT.
Các yếu tố tác động trong thời gian tới
Để thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó đề cập đến gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói tài khóa 30.000 tỷ đồng cấp bách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ không coi đây là gói “kích cầu” như trước đây, cũng không phải là gói kích thích kinh tế như nhiều nước đã đưa ra khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới xảy ra vào cuối năm 2008. Bởi đây chỉ là gói hỗ trợ, chứ không phải là bao cấp. Tuy nhiên, đây là một gói hỗ trợ có quy mô rất lớn, tương đương với trên 12 tỷ USD - lớn hơn gói hỗ trợ 8,3 tỷ USD của Mỹ, lớn hơn cả gói “kích cầu” thông qua việc cấp bù lãi suất của Việt Nam cách đây hơn 10 năm với quy mô gần 10 tỷ USD của Việt Nam. Do vậy, cần phải chú ý một số điểm.
Thứ nhất, cần có sự rà soát kỹ các đối tượng thuộc các ngành nghề cần được hỗ trợ, không quá mở rộng, dàn trải như gói kích cầu cách đây hơn 10 năm.
Thứ hai, gói kích cầu thông qua cấp bù lãi suất cách đây hơn 10 năm đã kéo tới hơn 400.000 tỷ đồng từ ngân hàng ra lưu thông, làm cho tăng trưởng tín dụng rất lớn, số dư tín dụng/GDP rất lớn. Tình hình đó đã dẫn đến nhiều hiệu ứng phụ. Hậu quả rõ nhất là đã gây ra lạm phát rất cao, có năm CPI tăng tới 11,75% (năm 2010), 18,13% (năm 2011)… Tỷ lệ nợ xấu cũng bắt nguồn từ đây. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tăng. Dự trữ ngoại hối giảm (từ gần 24,2 tỷ USD năm 2008, còn 16,8 tỷ USD năm 2009, còn 12,9 tỷ USD năm 2010)…
Trong các hiệu ứng phụ trên đáng chú ý nhất là lạm phát sẽ không kiểm soát được mục tiêu, trong khi lạm phát là một trong 4 đỉnh của tứ giác mục tiêu (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán, thất nghiệp). Trong tứ giác này, tuy lạm phát ở vị trí thứ 2 nhưng lại rất quan trọng, bởi nó liên quan trực tiếp đến mức sống thực tế của người tiêu dùng - chủ thể lớn nhất trên thị trường.
Thứ ba, hỗ trợ cần khẩn cấp nhưng tùy theo diễn biến và khả năng kết thúc dịch Covid-19 để có thể thu hồi nhanh. Muốn vậy, các đối tượng cần sử dụng tốt và hiệu quả sự hỗ trợ này để hỗ trợ lại Nhà nước (ngân sách, ngân hàng).

Thủ tướng Chính phủ đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.